Nếu bạn áp dụng quy tắc 80/20 để lập ngân sách, có nghĩa là bạn sẽ bỏ 20% tiền lương thực tế vào tiết kiệm và 80% còn lại vào chi tiêu hàng ngày. Người ta thường gọi đây là ngân sách dự phòng. Loại ngân sách này giúp bạn giải quyết các vấn đề liên quan đến tiền khi gặp khó khăn trong tương lai.
Dưới đây là đặc điểm của quy tắc 80/20 và những điểm khác so với quy tắc 50/30/20.
Quy tắc 80/20 là gì?
Quy tắc 80/20 là một quy tắc đơn giản giúp bạn lập ngân sách một cách hiệu quả. Quy tắc này sẽ đánh giá thu nhập thực tế của bạn sau khi khấu trừ tất cả các loại chi phí mà bạn phải trả như thuế, tiền bảo hiểm,... Theo quy tắc này, bạn sẽ phải bỏ 20% thu nhập thực tế vào khoản tiết kiệm và 80% còn lại dành cho chi tiêu hàng ngày.
Nếu muốn đạt hiệu quả tốt nhất thì bạn nên gửi 20% thu nhập vào khoản tiết kiệm ngay sau khi bạn nhận lương. Điều này sẽ đảm bảo việc duy trì ngân sách dự phòng của bạn.
Quy tắc 80/20 bắt nguồn từ đâu?
Quy tắc 80/20 được phát triển từ quy tắc 50/30/20. Theo quy tắc 50/30/20 thì 50% thu nhập thực tế dành cho nhu cầu thiết yếu như nhà ở, điện, nước, xăng xe,... 30% tiếp theo dành cho các nhu cầu thư giãn và giải trí như ăn uống, xem phim, chơi thể thao,... Cuối cùng, 20% còn lại dành cho tiết kiệm hoặc trả nợ.
Cách áp dụng quy tắc 80/20
Quy tắc 80/20 giúp đơn giản hóa quy tắc 50/30/20. Ví dụ: Nếu thu nhập thực tế của bạn là 800 USD, trong đó 160 USD sẽ gửi vào tiền tiết kiệm, và 640 USD còn lại sẽ dành cho chi tiêu hàng ngày bao gồm cả nhu cầu thiết yếu và nhu cầu cá nhân.
Quy tắc 80/20 sẽ giúp bạn ưu tiên việc duy trì ngân sách dự phòng. Để chắc chắn hơn, bạn nên lập kế hoạch rút tiền một hoặc hai ngày sau mỗi lần nhận lương và gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm. Thêm vào đó, bạn có thể thiết lập một giao dịch rút tiền tự động ở tài khoản của bạn. Bằng cách này, số tiền bạn dự định tiết kiệm sẽ tự động được giữ lại.
Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải sử dụng các tài khoản tiết kiệm truyền thống. Thay vào đó bạn có thể sử dụng tài khoản trung gian hoặc tài khoản hưu trí.
Trên thực tế, các chuyên gia thường khuyên mọi người, sau khi số tiền trong ngân sách dự phòng đạt yêu cầu, chúng ta nên dành từ 10%- 20% thu nhập cho việc nghỉ hưu. Và kế hoạch này sẽ phụ thuộc vào độ tuổi mà bạn bắt đầu tiết kiệm. Ví dụ, Fidelity khuyên mọi người nên bắt đầu tiết kiệm ở tuổi 25 và dành 15% tiền lương cho tài khoản hưu trí. Còn nếu đợi đến 30 tuổi, bạn sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn thế.
Tại sao quy tắc 80/20 được sử dụng rộng rãi?
Quy tắc 80/20 thường dễ dùng hơn các quy tắc khác vì dễ tuân thủ và duy trì. Thậm chí quy tắc này còn phù hợp cho những người mới tập tành lập ngân sách. Ngoài ra, quy tắc này có thể áp dụng một cách linh hoạt, vì vậy bạn có thể sử dụng quy tắc này với bất kì mô hình chi tiêu nào.
Các công cụ lập ngân sách như Quicken và Mint có thể giúp bạn theo dõi chi tiêu. Nếu bạn thấy quy tắc 80/20 không phù hợp với bạn cho lắm thì bạn nên thử một trong những công cụ này để hiểu rõ hơn về thói quen chi tiêu của mình.
So sánh quy tắc 80/20 và 50/30/20
Mặc dù quy tắc 50/30/20 rất hữu ích, nhưng bạn sẽ khó phân biệt giữa nhu cầu thiết yếu và nhu cầu cá nhân. Ví dụ với nhu cầu mua quần áo. Thường thì bạn sẽ mua 2 loại quần áo khác nhau một là dành cho công việc, hai là để mặc hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều khi bạn vẫn muốn mua những món đồ hợp thời trang mà bạn sẽ chỉ mặc một vài lần. Vậy đây được gọi là nhu cầu cá nhân hay nhu cầu thiết yếu? Thực tế, điều này phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người và nó không có một quy tắc chung nào cả.
Việc phân loại nhu cầu sẽ mang lại khá nhiều phiền toái cho những người áp dụng quy tắc 50/30/20. Chính vì thế không có nhiều người chọn áp dụng quy tắc này để theo dõi chi tiêu.
Về cơ bản, quy tắc 80/20 là một phiên bản khác của quy tắc 50/30/20 nhưng quy tắc này lại được đơn giản hóa đi. Bạn sẽ không cần theo dõi chi tiêu của mình quá chặt chẽ và cũng không cần phân biệt nhu cầu thiết yếu và nhu cầu cá nhân. Bạn chỉ cần dành 20% thu nhập cho tiết kiệm và chi tiêu phần 80% còn lại. Tuy nhiên, một số người vẫn cảm thấy quy tắc 80/20 có quá nhiều thiếu sót. Vậy nếu bạn thích giám sát chi tiêu theo các cách phức tạp hơn, quy tắc 50/30/20 có thể phù hợp với bạn.
Những điều cần lưu ý
Đối với những người lần đầu lập kế hoạch theo dõi chi tiêu thì áp dụng quy tắc 80/20 là phù hợp nhất. Vì 20% là mức thấp nhất cho một khoản tiết kiệm. Nếu bạn cảm thấy mình đã áp dụng tốt quy tắc 80/20 thì bạn có thể nâng cấp quy tắc này lên 70/30 sau đó là 60/40.
Ngoài ra, khi số tiền tiết kiệm của bạn tăng lên, thì bạn có thể sử dụng số tiền đó cho nhiều việc khác chứ không nhất thiết dành cho việc nghỉ hưu sau này. Bạn có thể dùng số tiền đó để mua bất động sản, kinh doanh nhỏ, thử đầu tư mạo hiểm hoặc đi du lịch.
Hãy nhớ rằng quy tắc 80/20 là quy tắc chung. Và kết quả cuối cùng phụ thuộc vào cách bạn sử dụng nó. Vì thế bạn nên xem xét và điều chỉnh nếu cần thiết.
Có một công thức làm giàu ai áp dụng đúng cách đều có thể trở thành triệu phú, nó nằm ngay trong bài viết bạn đang xem