Nếu tấn công hạt nhân Moscow, Mỹ cầm chắc thất bại?

Nhật Minh |

Thủ đô của Nga là nơi duy nhất trên thế giới được bảo vệ bằng tên lửa hạt nhân.

Thành phố được bảo vệ vững chắc nhất trên TG

Theo tạp chí National Interest, thành phố được bảo vệ vững chắc nhất trên thế giới không phải Washington, D.C, mà là Moscow.

Nếu quận Columbia có lực lượng mật vụ, cảnh sát canh giữ thì thủ đô của Nga là nơi duy nhất trên thế giới được bảo vệ bằng tên lửa hạt nhân. Đây là kết quả của một "lỗ hổng" nằm trong hiệp ước kiểm soát vũ khí đã kéo dài 44 năm.

Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 1972 là thỏa thuận kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Liên Xô. Không giống các hiệp ước khác tập trung vào vũ khí tấn công, hiệp ước ABM chú trọng hạn chế các loại vũ khí phòng thủ, tên lửa có khả năng ngăn chặn đầu đạn hạt nhân.

Hiệp ước này dựa trên cơ sở cho rằng nếu cả 2 bên được triển khai không giới hạn các hệ thống tên lửa phòng thủ thì sẽ dẫn tới nguy cơ leo thang các loại tên lửa tấn công, bởi mỗi bên sẽ tìm cách vượt qua hàng phòng thủ đang ngày càng được tăng cường của đối phương.

Tuy nhiên, hiệp ước ABM không cấm tất cả các loại tên lửa phòng thủ, mỗi bên được phép triển khai một trận địa ABM, với số lượng lên tới 100 tên lửa và có thể bố trí theo ý muốn.

Mỹ quyết định đặt hệ thống phòng thủ Safeguard xung quanh căn cứ không quân Grand Forks ở North Dakota, hy vọng có thể bảo vệ các tên lửa chính xác và đáng gờm nhất của nước này trước cuộc tấn công bất ngờ.

Tuy nhiên, Safeguard chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn, bởi việc dùng một hệ thống quá đắt đỏ chỉ để bảo vệ một địa điểm duy nhất không đem lại nhiều ý nghĩa.

Nếu tấn công hạt nhân Moscow, Mỹ cầm chắc thất bại? - Ảnh 1.

Sơ đồ bố trí hệ thống phòng thủ A-35 tại vùng Moscow (Màu đen: đã được xây dựng; Màu trắng: Được lên kế hoạch). Ảnh: Wiki

Lá chắn bảo vệ Moscow

Trong khi đó, Liên Xô chú trọng bảo vệ thủ đô Moscow, bởi nếu thành phố này bị phá hủy trong cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu bất ngờ thì khả năng phản ứng của Liên Xô sẽ bị tê liệt.

Hệ thống A-35 - mạng lưới phòng không hoàn thiện đã được thiết kế để bảo vệ Moscow nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Hệ thống này lần đầu được đề xuất trong những năm 1950, khi các tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ bắt đầu thay thế máy bay ném bom, trở thành mối đe dọa lớn với Moscow.

Ý tưởng ban đầu là triển khai 32 trận địa tên lửa chống đạn đạo xung quanh thành phố, với 8 radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo và 1 radar điều khiển chiến đấu.

Nhưng trong quá trình triển khai, số trận địa tên lửa giảm xuống 4 trận địa, với 8 hệ thống phóng ở mỗi trận địa (tổng cộng 64 tên lửa) nhưng những tên lửa này được trang bị đầu đạn hạt nhân, giúp tăng cường đáng kể mức độ hiệu quả của chúng.

Hệ thống A-35 được trang bị tên lửa chống đạn đạo A-350. A-350 có kích cỡ gần bằng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), sử dụng nhiên liệu lỏng và nặng 36 tấn.

Lắp đầu đạn với sức công phá 2-3 megaton, A-350 được thiết kế để đánh chặn các đầu đạn ở độ cao 120km, đủ cao để thành phố phía dưới không bị tổn hại bởi bụi hạt nhân.

Ngoài A-350, Moscow còn được bảo vệ bởi 48 tên lửa đất-đối-không SA-1 "Golden Eagle" với tầm bắn 50km, có thể mang đầu đạn thường hoặc đầu đạn hạt nhân.

Hệ thống A-35 được thiết kế để bảo vệ Moscow và Kremlin trước 6-8 ICBM mang đầu đạn hạt nhân. Vào thời điểm đó, Minuteman III - loại ICBM chủ lực của Mỹ có thể mang 3 đầu đạn mỗi tên lửa.

Nếu tấn công hạt nhân Moscow, Mỹ cầm chắc thất bại? - Ảnh 2.

Tên lửa Minuteman III của Mỹ.

Tuy nhiên, do tốc độ mở rộng kho vũ khí hạt nhân giữa 2 phía nên A-35 dần trở nên lỗi thời. Hệ thống này sau đó được nâng cấp vào giữa những năm 1970, không chỉ bảo vệ thủ đô Moscow trước cuộc tấn công hạt nhân toàn diện mà còn ngăn chặn cả những cuộc tấn công hạn chế hoặc "vô tình".

Hệ thống mới được bắt đầu phát triển từ năm 1968 nhưng tới năm 1989 mới sẵn sàng hoạt động và tới năm 1995 mới được đánh giá là đáng tin cậy.

A-135 là hệ thống được nâng cấp đáng kể, sử dụng 2 loại tên lửa đánh chặn Novator 53T6 (NATO định danh: Gazelle) và OKB Fakel 51T6 (NATO định danh: Gorgon). Cả 2 loại tên lửa này sử dụng đầu đạn có sức công phá 10 kiloton, nhỏ hơn nhiều so với đầu đạn của A-350 nhưng cho thấy niềm tin của Moscow vào độ chính xác của chúng.

32 tên lửa 51T6 hết tuổi thọ hoạt động trong giai đoạn 2002-2003 và bị loại biên vào năm 2006. Trong khi đó, tên lửa 53T6 được thay thế bằng loại tên lửa mới cùng tên, với tầm bắn 80km và độ cao 30.000m.

Mặc dù được trang bị tên lửa mới nhưng tương lai của hệ thống ABM Nga không thực sự rõ ràng. Phần lớn các hệ thống hiện tại đã cũ và cần phải thay thế. Điều này rất đắt đỏ trong khi chi tiêu quốc phòng của Moscow lại bắt đầu giảm xuống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại