Tính đến thời điểm hiện tại, trên thế giới đã ghi nhận tổng cộng 3 vụ tai nạn dẫn tới rơi máy bay Su-30MK2.
Ngoài chiếc Su-30 số hiệu 8585 gặp nạn ngày hôm qua và một chiếc Su-30MK2 của Không quân Venezuela bị rơi khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, còn có một tiêm kích Su-30MK2 khác rơi trên đất Nga khi đang trong quá trình thử nghiệm trước khi bàn giao cho Việt Nam.
Điều này gây ra một số lo ngại về chất lượng máy bay chiến đấu Nga trong những lô sản xuất gần đây, đặc biệt là khi Không quân Indonesia đã phát hiện ra rất nhiều lỗi nghiêm trọng.
Tiêm kích Su-30MK2 (cánh đuôi bằng) và Su-27SKM (cánh đuôi vát) thuộc Phi đội số 11, Trung đoàn Không quân số 5 của Indonesia
Cụ thể, vào ngày 29/3/2013, khi tiến hành thay thế động cơ trên chiếc Su-30MK2 số hiệu TS-3009 do bị chim va vào, phía Indonesia đã phát hiện ra vết nứt trên các mối hàn của khung thân.
Điều bất thường là máy bay mới chỉ hoạt động trong Không quân Indonesia được khoảng 4 tháng, với tổng cộng 83 giờ bay.
Đến ngày 9/10/2013, lỗi tương tự lại được phát hiện trên tiêm kích Su-30MK2 số hiệu TS-3010 và chiếc này cũng phải tạm dừng bay, đáng nói hơn là nó mới vào biên chế 1 tháng (số giờ bay tích lũy chỉ là 23) trước khi gặp sự cố.
Sau khi gửi trả lại nhà máy Komsomolsk-on-Amur (KnAAPO) để thay thế khung thân, các kỹ sư Nga đã phát hiện hàng loạt lỗi nghiêm trọng trong thiết kế, rất ngạc nhiên là chúng không được phát hiện ra mà vẫn bàn giao cho Không quân Indonesia sử dụng.
Tiêm kích Su-30MK2 số hiệu 8584 của Không quân Việt Nam
Trường hợp tương tự liệu có xảy ra với Không quân Việt Nam, giả thiết trên là chưa thể loại trừ. Tuy nhiên chiếc Su-30MK2 số hiệu 8585 trên còn rất mới, vừa được tiếp nhận trong khoảng thời gian từ cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015, hệ số kỹ thuật theo lý thuyết phải còn rất tốt.
Vậy nếu thực sự máy bay bị rơi do sai sót của nhà sản xuất thì chúng ta có được đền bù một chiếc khác? Việc này còn tùy thuộc vào các điều khoản bảo hành của KnAAPO.
Nhưng do trường hợp trên là chưa có tiền lệ, các tiêm kích Su-30MK2 của Indonesia chỉ hỏng hóc chứ chưa bị phá hủy hoàn toàn, đồng thời dây chuyền lắp ráp Su-30 đã sắp đóng cửa, nên giả sử nguyên nhân là vấn đề kỹ thuật, thì có thể Việt Nam sẽ chỉ nhận được một khoản tiền hỗ trợ (nếu lỗi thuộc về KnAAPO).
Việc cần làm nhất trong thời điểm hiện tại là tìm kiếm và cứu hộ an toàn cho hai phi công, sau đó sẽ cố gắng tìm hộp đen hoặc trục vớt máy bay (nếu có thể) nhằm xác định rõ nguyên nhân dẫn tới tai nạn để có các bước xử lý tiếp theo.