3 tuổi: Dạy con tự lập trên bàn ăn
Theo các chuyên gia tâm lý, ở giai đoạn hơn 1 tuổi, trẻ đã học được cách cầm nắm và lúc này, bố mẹ nên chuẩn bị cho trẻ vài món ăn dặm đơn giản, chẳng hạn như khoai tây mềm.
Việc này sẽ giúp rèn luyện kỹ năng cầm nắm của trẻ, cũng như hình thành tính tự lập.
Giai đoạn 2-3 tuổi là thời điểm lý tưởng nhất để dạy trẻ tự lập trên bàn ăn. (Ảnh minh họa)
Tùy vào từng giai đoạn phát triển của trẻ mà bố mẹ lựa chọn các bài tập phù hợp. Giai đoạn 2-3 tuổi là thời điểm lý tưởng nhất để dạy trẻ tự lập trên bàn ăn.
Bố mẹ không nên cho trẻ vừa ăn vừa ngồi trên xe tập đi, hoặc ngồi bệt dưới đất ăn cơm. Bởi nó sẽ khiến trẻ bị phân tán sự chú ý, ân chậm, lâu ngày dẫn đến lười ăn.
Thay vào đó, bố mẹ hãy mua hoặc tự đóng một bộ bàn ăn riêng vừa với vóc dáng để trẻ tự ngồi ăn uống. Tập cho trẻ tự ăn ở giai đoạn này thì khi trẻ đến tuổi đi học cả bố mẹ và con sẽ nhàn hơn rất nhiều.
5 tuổi: Dạy trẻ tự đi ngủ
Dù trẻ đã lớn nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn cho ngủ cùng: Một mặt để gia tăng tình cảm, một mặt vì nhiều đứa trẻ chỉ cần không có bố mẹ là khóc thét, sợ hãi và khó ngủ.
Tuy nhiên điều này thực chất gây hại và khiến trẻ bị ỷ lại vào bố mẹ, khó tự lập. Ở giai đoạn trẻ 5 tuổi, bố mẹ nên tạo điều kiện và tập cho trẻ ngủ riêng.
Lúc bắt đầu, trẻ có thể sợ hãi và khóc nhưng bố mẹ cần kiên trì, an ủi đến khi trẻ chìm vào giấc ngủ thì mới đi ra khỏi phòng.
Mẹ cũng có thể kể cho trẻ nghe những câu chuyện về các bạn nhỏ dũng cảm, biết ngủ một mình thật ngoan để trẻ noi theo.
Bố mẹ nên tạo điều kiện và tập cho trẻ ngủ riêng. (Ảnh minh họa)
6 tuổi: Dạy trẻ tự lập trong phòng tắm
Nhiều bố mẹ nghĩ con còn nhỏ, vẫn chưa biết gì nên vô tư thay quần áo trước mặt con hoặc tắm cùng con.
Tuy nhiên việc này là sai! Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, ở độ tuổi này bố mẹ nên hướng dẫn cho con tự tắm, dạy con cách sử dụng vòi nước, nhớ đóng cửa khi đang sử dụng nhà tắm,...
Bố mẹ cũng nên điều chỉnh nhiệt độ nước trước khi con tắm, tránh để con bị bỏng.
Bố mẹ nên hướng dẫn cho con tự tắm, dạy con cách sử dụng vòi nước, nhớ đóng cửa khi đang sử dụng nhà tắm,... (Ảnh minh họa)
8 tuổi: Dạy trẻ tự lập trong phòng riêng
Giai đoạn này trẻ đã đi học và đa số đều có phòng riêng. Vì vậy, bố mẹ hay bất cứ ai trong nhà trước khi vào phòng của trẻ đều cần phải gõ cửa. Điều này giúp trẻ cảm thấy mình được tôn trọng trong không gian cá nhân.
Bố mẹ có thể góp ý và chỉ cho trẻ cách sắp xếp vật dụng trong phòng sao cho ngăn nắp nhưng không nên can thiệp quá mức mà cần để trẻ được thoả thích sáng tạo.
Đặc biệt bố mẹ không nên tự tiện lục đồ, đọc trộm nhật ký của con.
12 tuổi: Dạy trẻ tự lập trong phòng bếp
Ở giai đoạn này, bố mẹ cần dạy con cách sử dụng các vật dụng nhà bếp, cách nấu những món ăn cơ bản,... Bố mẹ cũng có thể cho con nêm nếm thức ăn và đưa ra nhận xét về các món ăn.
Ngoài ra bố mẹ có thể cho con đi chợ cùng, cho con đứng quan sát quá trình nấu nướng để con học thêm được những kỹ năng bếp núc.
Trong khoảng thời gian này, bố mẹ cũng có thể hỏi chuyện con những việc hàng ngày, việc ở trên lớp và các mối quan hệ với bạn bè - từ đó giúp đôi bên gắn kết hơn.
Cho trẻ cơ hội vào bếp cùng bạn là cách vun đắp tình yêu thương cũng như tập các kỹ năng khi trưởng thành (Ảnh minh họa).
13 tuổi: Dạy trẻ tự làm các công việc nhà
Bố mẹ tự làm việc nhà thì sẽ nhanh hơn rất nhiều so với con tự làm. Tuy nhiên dù chậm đến mấy, chúng ta vẫn cần để con trẻ tự làm để học được tính tự lập, đồng thời có trách nhiệm hơn với các công việc chung của gia đình.
Nếu bố mẹ cứ làm thay suốt thì con sẽ bị ỷ lại, dựa dẫm. Đứa trẻ không làm việc nhà khi trưởng thành sẽ khó thích nghi với cuộc sống, nhất là khi phải sống riêng, sống xa nhà.
Vậy nên hãy giao cho con những công việc như dọn dẹp nhà cửa, rửa bát, phơi quần áo,... để rèn cho con sự tự lập.
Người lớn cần trao quyền cho trẻ phụ giúp việc nhà để xây dựng ý thức tự lập và sống có trách nhiệm