Trải qua hơn một nửa thế kỷ phát triển, ngành khoa học hàng không vũ trụ đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể.
Trong đó phải nhắc đến việc NASA, ESA và một số tổ chức đã phóng đi hàng loạt vệ tinh, tàu thăm dò... vào khoảng không đen kịt rộng lớn bên ngoài Trái đất.
Mỗi con tàu như vậy có thể tiêu tốn hàng triệu đô la, và đó là khoản tiền cần thiết để đem tri thức từ vũ trụ về cho nhân loại.
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu như một trong những vệ tinh/tàu thăm dò ấy đột nhiên mất tích? Nếu như con tàu đã đi xa hàng triệu km, vượt quá khả năng quan sát của kính thiên văn, nhân loại có thể làm gì?
Một vệ tinh thế nào thì được gọi là "mất tích"?
"Mất tích" ở đây được hiểu là "mất liên lạc", khi tín hiệu từ vệ tinh hoặc tàu thăm dò đột nhiên biến mất. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta không biết nó đang ở đâu. Do hành trình đã được thiết lập sẵn, các chuyên gia hoàn toàn có thể tính toán và dự đoán được vị trí của vệ tinh sau khi mất tích.
Tính toán có thể không hoàn hảo! Đến một thời điểm nào đó, con tàu hoàn toàn có thể đi chệch hướng tính toán của chúng ta.
Vậy nên, NASA đã phải xây dựng một hệ thống radar liên hành tinh cực mạnh, với khả năng truy tìm các tiểu hành tinh từ khoảng cách hàng triệu dặm. Đến khi tìm được, họ có thể tìm cách kết nối lại thông qua các sóng radio phát ra.
Radar liên hành tinh
Tuy nhiên, khi tất cả trở nên vô hiệu, đó là lúc con tàu đã biến mất vĩnh viễn. Trên thực tế thì điều này xảy ra khá thường xuyên, từ con tàu Zond 3 của Liên Xô mất tích trên đường đến sao Hỏa, đến tàu Mars Climate Orbiter của NASA biến mất do sai lầm trong tính toán. Rốt cục, một còn tàu vũ trụ mất tích là quá nhỏ bé, trong khi vũ trụ thì thực sự vĩ đại.
Nhưng cũng có những trường hợp vệ tinh và con người tìm về được với nhau. Ví dụ như vệ tinh ISEE-3 của NASA đã mất tích hơn 17 năm, nhờ nỗ lực không ngừng của các chuyên gia mà kết nối lại được với nhau "như chưa hề có cuộc chia ly".
Vệ tinh ISEE-3 mất tích suốt 17 năm, thế rồi lại liên lạc với con người
Tóm lại thì giờ đây, mỗi khi phóng đi bất kỳ vệ tinh hay tàu thăm dò nào - dù chỉ là lên trạm vũ trụ quốc tế ISS, NASA cũng trang bị rất nhiều phương pháp liên lạc khác nhau. Điều này để hạn chế rủi ro "đốt nhầm" vài triệu đô, chỉ vì bộ phận liên lạc bị lỗi.
Nguồn: Seeker