Đã dò được nguồn gốc của tín hiệu vũ trụ bí ẩn, cách Trái Đất 3 tỷ năm ánh sáng

Trang Ly |

Sau 83 giờ đồng hồ quan sát liên tục trong 6 tháng, giới thiên văn học cuối cùng cũng dò được nguồn gốc phát ra 9 chớp sóng vô tuyến (FRB), cách Trái Đất 3 tỷ năm ánh sáng.

Đầu năm 2017, kính thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới (ASKAP) đặt tại Australia phát hiện tín hiệu chớp sóng vô tuyến (FRB) bí ẩn bên ngoài vũ trụ có tên FRB170107.

Sau lần phát hiện chớp sóng vô tuyến đầu tiên năm 2007, tính cho đến nay, sau 10 năm miệt mài tìm kiếm các nhà khoa học đã thu nhận khoảng 20 lần FRB truyền về Trái Đất, mặc dù, theo tính toán, có khoảng 2.000 FRB chu du trong vũ trụ chỉ trong 1 ngày.

Để có thể di chuyển bằng tốc độ ánh sáng qua quãng đường hàng tỷ năm ánh sáng, các FRB này được sinh ra từ một vụ nổ chỉ kéo dài vài mili giây nhưng có mức năng lượng khủng khiếp, tương đương với năng lượng của 500 triệu Mặt trời cộng lại.

Điều này khiến cho FRB trở thành một trong những bí ẩn vũ trụ khiến giới khoa học khó nắm bắt nhất: Chưa ai gọi tên được nguồn gốc nơi xảy ra những vụ nổ khổng lồ để tạo ra các FRB chu du trong vũ trụ và đến với Trái Đất chúng ta.

Tuy nhiên, câu chuyện đã khác khi các nhà khoa học thuộc trường Đại học McGill (Canada) công bố khám phá mới nhất của họ về nguồn gốc của chớp sóng vô tuyến.

Theo đó, loạt chớp sóng vô tuyến tên FRB 121102 được các nhà khoa học xác định là đến cùng từ một nguồn ở bên ngoài dải Ngân hà của chúng ta.

Cuối cùng, đã giải mã được nguồn gốc của 1 chớp sóng vô tuyến FRB

Đã dò được nguồn gốc của tín hiệu vũ trụ bí ẩn, cách Trái Đất 3 tỷ năm ánh sáng - Ảnh 1.

Chớp sóng vô tuyến tên FRB 121102 đến từ cụm sao cách Trái Đất 3 tỷ năm ánh sáng. Ảnh: Phys.org,.

Sau 83 giờ đồng hồ quan sát liên tục trong 6 tháng năm 2016, giới thiên văn học thu được 9 tín hiệu FRB 121102 lặp đi lặp lại.

Dựa vào kết quả thu thập được từ kính viễn vọng Hubble và kính thiên văn Subaru (đặt tại Hawaii), nhóm nghiên cứu quốc tế đến từ trường Đại học McGill (Canada) và trường Đại học Tohoku (Nhật Bản) đưa ra kết luận mới nhất về nguồn gốc của FRB 121102.

"FRB 121102 được phát ra từ một cụm sao khổng lồ, gần trung tâm thiên hà lùn xa xôi, cách Trái Đất 3 tỷ năm ánh sáng. Dữ liệu từ Hubble và Subaru cho thấy, cụm sao này hình thành từ một thiên hà có đường kính khoảng 20.000 năm ánh sáng (bằng 1/6 đường kính của dải Ngân hà).

Cụm sao phát ra 9 tín hiệu FRB lặp đi lặp lại này nằm cách thiên hà trung tâm của nó khoảng 6.200 năm ánh sáng và có độ lớn khoảng 4.400 năm ánh sáng (lớn hơn bất kỳ cụm sao nào trong dải Ngân hà của chúng ta).", nhà nghiên cứu Ken Croswell trình bài trong bản báo cáo gửi lên New Scientist.

*Một năm ánh sáng bằng khoảng 9,4 nghìn tỷ km.

Giáo sư, nhà vật lý lý thuyết Avi Loeb của Trung tâm Vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian (Mỹ) cho biết: "Việc phát hiện chớp sóng vô tuyến lặp đi lặp lại phát ra từ cùng một nguồn gốc cách Trái Đất 3 tỷ năm ánh sáng như vậy hoàn toàn có thể dẫn chúng ta đến giả thuyết: Chùm năng lượng khổng lồ tương đương 500 triệu Mặt trời cộng lại này có thể là bằng chứng về công nghệ siêu hiện đại của người ngoài Trái Đất.

Và nó chính là công cụ để khai phá vũ trụ của người ngoài hành tinh. Bạn hãy hình dung, NASA đã từng tính toán, nếu chúng ta sở hữu công nghệ này, việc loài người tìm kiếm sự sống trên Hỏa tinh chỉ mất vỏn vẹn 3 ngày."

Đã dò được nguồn gốc của tín hiệu vũ trụ bí ẩn, cách Trái Đất 3 tỷ năm ánh sáng - Ảnh 2.

FRBs có thể là bằng chứng về công nghệ siêu hiện đại của người ngoài Trái Đất. Ảnh: Gizmodo.

Hiện tại, các nhà thiên văn học vẫn tiếp tục săn tìm các FRB nhằm tiếp cận sâu hơn nữa về một trong những bí ẩn vũ trụ to lớn này.

Dịch từ: Sciencealert, Newscientist

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại