Hầu hết mọi người đều dừng làm việc ở tuổi 70 để an hưởng tuổi già. Tháng tới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ thổi nến sinh nhật mừng tuổi thứ 70 của mình. Cùng với Tổng thống Mỹ Donald Trump, một số chuyên gia cho rằng có lẽ đã đến lúc liên minh quân sự lâu đời nhất thế giới nên "nghỉ hưu".
Để trả lời cho câu hỏi này, Hans Binnendijk thành viên tại Hội đồng Đại Tây Dương, cựu Giám đốc cao cấp về chính sách quốc phòng trong Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Clinton đã có bài viết phân tích trên tờ Defense News.
Trong quan điểm của mình, Binnendijk cho rằng bản thân nước Mỹ và đồng minh sẽ gánh chịu 5 hậu quả khi không còn NATO và tất cả điều này đều tiêu cực.
Tác động lớn nhất của việc NATO "nghỉ hưu" sẽ là không còn một cơ chế quyền lực ngang hàng với Nga. Với việc liên minh phương Tây tan rã về mặt quân sự, chuyên gia Binnendijk tin rằng, Tổng thống Vladimir Putin chắc chắn sẽ nhìn thấy đây là cơ hội để đưa vị thế của Nga đi lên. Cùng với đó, ông cho rằng sẽ có những tính toán sai lầm dẫn đến xung đột lớn hơn.
Thứ hai, sự rút lui của NATO cũng sẽ làm giảm phạm vi quân sự của Mỹ, ảnh hưởng chính trị và lợi thế kinh tế của nước này. Các căn cứ của Mỹ trên khắp châu Âu không chỉ cung cấp chiếc ô quốc phòng cho châu Âu mà còn giúp Mỹ có sự hiện diện ở lục địa để khắc chế những rắc rối đe dọa đến lợi ích quan trọng của Mỹ.
Chống lại khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - một vấn đề đáng quan tâm của Mỹ - sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều nếu không có căn cứ vĩnh viễn của Mỹ ở châu Âu và không có liên minh do Mỹ xây dựng bao gồm các quốc gia thành viên NATO. Không có NATO, các lợi ích an ninh bảo vệ lẫn nhau làm nền tảng cho các căn cứ quân sự và hoạt động của liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ bị hủy hoại.
Điều này mở rộng đến lĩnh vực kinh tế. Giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ hàng năm của Mỹ với châu Âu vượt quá con số 1 nghìn tỷ USD và tổng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào châu Âu là gần 3 nghìn tỷ USD. Các mối quan hệ kinh tế này tăng cường sự thịnh vượng cho Mỹ và cung cấp việc làm cho lao động trong nước, nhưng chúng đòi hỏi mức độ an ninh hiện tại do NATO cung cấp như một sự bảo đảm.
NATO "nghỉ hưu" sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ ở châu Âu. Chất keo dính của NATO không chỉ gắn kết các quân đội châu Âu lại với nhau mà nó còn cung cấp diễn đàn chính để thảo luận và điều phối các vấn đề an ninh.
Liên minh châu Âu (EU) khó có thể thay thế NATO về mặt này vì không có cấu trúc quân sự, ít khả năng và không có sự lãnh đạo của siêu cường để mang lại những quan điểm khác biệt.
Tổng thống Trump từng nhiều lần muốn đưa Mỹ rời khỏi NATO.
Đức và Pháp đã tìm kiếm một kế hoạch B trong trường hợp NATO sụp đổ, nhưng việc không có Vương quốc Anh nằm trong Liên minh châu Âu cũng khiến cho một cách tiếp cận mang tính chất "toàn châu Âu" thất bại.
Hậu quả thứ tư đối với cuộc sống không có NATO là hệ lụy lan tỏa trên phạm vi toàn cầu. Mỗi liên minh song phương của Mỹ ở châu Á sẽ bị lung lay đến tận cốt lõi nếu NATO tan vỡ. Cam kết quốc phòng của Mỹ sẽ trở nên vô giá trị. Với việc Trung Quốc quyết tâm khẳng định vị thế ảnh hưởng số 1 ở châu Á, sự sụp đổ của NATO sẽ khiến các đối tác châu Á của Mỹ tìm đường đến với Trung Quốc – điều đã được nhìn thấy ở một số quốc gia gần đây.
Quyết định của Tổng thống Trump về việc từ bỏ thỏa thuận kinh tế Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã mang lại cho Trung Quốc những lợi thế mới trong khu vực. Nếu không có các cam kết an ninh đáng tin cậy của Mỹ, sẽ có rất ít đòn bẩy để ngăn chặn Trung Quốc làm những điều mà Washington không hề muốn.
Thêm vào đó là chỗ đứng mới mà Trung Quốc đang xây dựng ở Trung Á, Châu Phi và Châu Âu. Việc từ bỏ NATO sẽ giúp đảm bảo thành công cho sự cạnh tranh của Trung Quốc.
Tác động cuối cùng của việc NATO nghỉ hưu sẽ là sự sụp đổ của cái gọi là "trật tự quốc tế tự do". Trật tự này bao gồm các hiệp ước, liên minh, thỏa thuận, thể chế và phương thức hành vi quan trọng do Mỹ tạo ra trong nỗ lực bảo vệ các nền dân chủ .
Trật tự này đã giữ hòa bình một cách tương đối trong không gian xuyên Đại Tây Dương trong bảy thập kỷ. Chính quyền Trump đã bắt đầu làm lung lay các yếu tố của trật tự này với quan niệm củng cố chủ quyền của Mỹ.
Toàn bộ dự án châu Âu được xây dựng trên nền móng của trật tự nói trên. Trong đó NATO là viên gạch chính. Vì vậy, câu trả lời là rõ ràng. Cuộc sống không có NATO sẽ nguy hiểm hơn và kém thịnh vượng hơn đối với phương Tây. Nga và Trung Quốc sẽ là những người chiến thắng lớn trong sự mất mát của Mỹ.
Kết luận lại, chuyên gia Hans Binnendijk tin rằng, NATO đơn giản là không thể nghỉ hưu. Mặc dù liên minh quân sự này đang có những vấn đề tồn đọng nhưng nó sẽ cần có thời gian thay đổi.
NATO còn quá nhiều việc phải làm trước khi nghỉ hưu. Và có quá nhiều điều mà Mỹ và phương Tây có thể mất nếu NATO một ngày nào đó tan rã.