Vào sáng ngày 15/3 vừa qua, trong cuộc họp báo bế mạc kỳ họp Lưỡng hội Trung Quốc 2019, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề Triều Tiên, bao gồm cả khía cạnh vai trò của Trung Quốc sau hội nghị thượng định Mỹ Triều lần hai tại Hà Nội.
Ông Lý Khắc Cường khẳng định "vấn đề Triều Tiên không thể giải quyết trong ngày một ngày hai" và cho rằng, Mỹ Triều nên tiếp tục duy trì quan hệ.
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choi Son Hui đã tổ chức cuộc họp báo tại Triều Tiên. Bà cho biết rằng Bình Nhưỡng đang xem xét việc ngừng đàm phán với Mỹ.
Theo SBS News, ý nghĩa thực sự về phát ngôn của bà Choi vẫn còn là một ẩn số nhưng tuyên bố này của Triều Tiên có thể khiến Bắc Kinh khó xử bởi trước đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường từng khẳng định, tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ trở nên tích cực hơn khi Triều-Mỹ tiếp tục duy trì mối quan hệ.
Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc nhận định, trường hợp này có thể xem như là một sự cố bởi quan hệ Trung-Triều đã được cải thiện rõ rệt và Bắc Kinh chưa được thông báo trước về quyết định của Bình Nhưỡng.
Bắc Kinh đau đầu vì chuyến thăm Triều của ông Tập?
Sau kỳ hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần hai diễn ra tại Hà Nội vào tháng trước, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên càng thu hút sự chú ý, đặc biệt là lập trường của Trung Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên. Càng quan trọng hơn khi Bắc Kinh không chấp nhận việc "bị loại" khỏi vòng đàm phán hạt nhân trên bán đảo, SBS News nhận định.
Tờ này cũng cho rằng, khi kỳ hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần hai kết thúc mà không đạt bất kỳ thỏa thuận chung nào thì mối quan hệ Trung-Triều đã trở thành một khía cạnh khác của vấn đề hạt nhân.
Một bữa tiệc đón tiếp vợ chồng ông Kim Jong Un tại Điếu Ngư Đài. Ảnh: KCNA
Hiện nay, Trung Quốc luôn nhất quán với lập trường "giải quyết từng bước thông qua đối thoại". Có rất nhiều phân tích cho rằng, các thông điệp của Trung Quốc đang chú trọng đến cả hai phía Mỹ Triều.
Hiện nay có một cuộc tranh luận công khai đang nổ ra mạnh mẽ xoay quanh vấn đề Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện "lời hứa" thăm Triều Tiên, nhất là khi Chủ tịch Kim Jong Un đã sang thăm Trung Quốc bốn lần.
Đặc biệt, ông Kim Jong Un có thể đang mong chờ một cuộc gặp gỡ thân thiết với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình như khi ông đến thăm Bắc Kinh ngay sau kỳ hội nghị Mỹ Triều lần thứ nhất tại Singapore vào năm ngoái, SBS News bình luận.
Tuy nhiên, thời gian cụ thể mà ông Tập sang thăm Triều Tiên vẫn chưa được xác nhận, điều này làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều từ truyền thông và dư luận.
"Đến tận bây giờ chúng ta vẫn chưa thể nói lên được điều gì nhưng đó là tình huống mà nhà lãnh đạo Tập Cận Bình không thể trì hoãn. Vì càng trì hoãn, sẽ càng khó tránh khỏi những hiểu lầm đáng tiếc xảy ra", SBS News khẳng định.
Liên quan đến thời gian chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập, có một vài kịch bản được tiết lộ. Trước tiên, ngày được nhắc đến là ngày 15/4 - ngày sinh nhật của cố lãnh tụ Kim Il Sung, còn gọi là Ngày Thái dương.
Tuy nhiên theo SBS News, khả năng điều này xảy ra không cao. Nguồn tin ngoại giao của hãng truyền thông Hàn Quốc cho biết: "Một nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc chưa bao giờ sang thăm nước khác khi đất nước đó đang tổ chức một sự kiện cấp quốc gia".
Bởi theo nguồn tin này, ý nghĩa của chuyến thăm đó có thể bị phai mờ tại sự kiện quốc gia, đồng thời, chuyến thăm có thể can thiệp vào sự kiện quốc gia.
Thứ hai, hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn G20 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 tới tại Osaka, Nhật Bản.
Trong khi ông Tập Cận Bình có lịch trình quen thuộc - tham dự sự kiện quốc tế kết hợp thăm song phương đối với các quốc gia khác. Do đó, trên đường đến Nhật Bản, ông có thể sẽ ghé thăm Triều Tiên hay xa hơn là Hàn Quốc. Đây là một kịch bản có triển vọng hơn so với trường hợp đầu tiên.
Tuy nhiên, theo SBS News, không có gì chắc chắn ở thời điểm hiện tại vì chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập không dễ quyết định như đối với các quốc gia khác.
Trên hết, là vấn đề nan giải giữa Mỹ và Triều Tiên. Việc duy trì quan hệ đúng đắn với Triều Tiên để nâng cao tầm ảnh hưởng đối với bán đảo Triều Tiên là điều rất quan trọng nhưng bên cạnh đó là Mỹ - quốc gia đang tranh chấp thương mại với Bắc Kinh.
Đặc biệt sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần hai, Mỹ đang có dấu hiệu tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Việc tìm ranh giới giữa Mỹ và Triều Tiên là điều Trung Quốc cần tìm ra trước chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập.
SBS News cho rằng, chính quyền Bắc Kinh nói chung và Chủ tịch Tập Cận Bình nói riêng đang tỏ ra khá do dự về chuyến thăm Triều Tiên bởi nước này mong muốn các quốc gia khác có thể hiểu cặn kẽ về ý nghĩa chuyến công du Bình Nhưỡng.
Đồng quan điểm với SBS News, tờ Aju News (Nhật báo châu Á - Hàn Quốc) cho rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ tới thăm Triều Tiên khi nước này kỷ niệm các ngày lễ đặc biệt cố định.
"Nếu nhấn mạnh quá mức tình hữu nghị Trung-Triều trước thế giới, rất có thể sẽ gây phản tác dụng", tờ này bình luận.
Tuy nhiên, nguồn tin của Aju News tiết lộ, chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập trong năm 2019 là có cơ sở thực tế.
Hiện nay, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ vẫn đang diễn ra khốc liệt, nếu ông Tập lựa chọn thăm Bình Nhưỡng vào thời điểm này, rất có thể sẽ là động thái thách thức Washington nên Bắc Kinh đang rất "đau đầu".
Và nếu ông Tập đồng thời thăm Triều Tiên và Hàn Quốc cùng thời điểm sẽ để lại ấn tượng "Trung Quốc can thiệp quá sâu vào vấn đề bán đảo" đối với dư luận. Với suy nghĩ này, Bắc Kinh sẽ phải xác định ngày thăm Triều Tiên của ông Tập trước.