Bất đồng sâu sắc
Sau cuộc hội đàm song phương Mỹ Triều Tiên kết thúc, tại các cuộc họp báo, trong khi Tổng thống Donald Trump liên tục nhấn mạnh về đối pháp "được ăn cả" thì các quan chức cấp cao Mỹ như Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun cũng đã liên tục gửi những thông điệp cứng rắn tới Bình Nhưỡng .
Nội dung của thông điệp như đã tuyên bố ở thượng đỉnh Mỹ Triều chính là yêu cầu Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa thì Washington sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Tại Hội nghị giải trừ vũ khí hạt nhân của Liên hợp quốc diễn ra ở Geneva Thụy Sĩ mới đây, một lần nữa Mỹ lại nhấn mạnh lập trường này và cuộc khẩu chiến giữa 2 nước đã nổ ra.
Tuy nhiên, theo tờ Newsis (Hàn Quốc), Mỹ đang lo ngại Triều Tiên sẽ từ bỏ các nỗ lực ngoại giao và tiến hành các động thái tiêu cực nhằm leo thang căng thẳng giữa 2 nước.
Ông Bolton mới đây nhấn mạnh nếu Triều Tiên nối lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa, Tổng thống Trump sẽ "rất thất vọng" hoặc "đưa ra một tác động thực sự" đối với Bình Nhưỡng.
Mặt khác, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho và Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui đã từng khẳng định tại Hà Nội rằng, Bình Nhưỡng không thể hiểu được những toan tính của Mỹ và cho rằng hành động cần phải được chú trọng hơn lời nói.
Trong một cuộc họp báo vào ngày 15/3 tại Bình Nhưỡng, bà Choi Son Hui đưa ra loạt phát biểu như: "Triều Tiên không có ý định đưa ra bất kì một hình thức nhượng bộ nào với các yêu cầu của Mỹ", "Triều Tiên đang cân nhắc ngưng đám phán thỏa thuận hạt nhân với Mỹ", "Mỹ đã thổi bay cơ hội ngàn năm có một tại Hà Nội", "Chúng tôi sẽ sớm quyết định có nên tiếp tục đàm phán với Hoa Kỳ hay không và có nên tạm dừng vụ thử tên lửa và hạt nhân hay không", "Chủ tịch Kim Jong Un sẽ sớm tuyên bố chính thức về kế hoạch hành động của Triều Tiên".
Những phát ngôn này của bà là nhằm vào những lệnh trừng phạt toàn diện của Mỹ lên Triều Tiên, báo Hàn Quốc bình luận.
Những bất đồng trong quan điểm giữa hai nước tiếp tục được thể hiện trong Hội nghị giải trừ vũ khí hạt nhân Liên hợp quốc lần thứ 19 khi bà Yleem Poblete, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh quan điểm của Washington rằng biện pháp duy nhất để Triều Tiên đạt được an ninh và tăng trưởng là từ bỏ tất cả vũ khí sát thương hàng loạt và các chương trình tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó , ông Ju Yong Chul phản bác lại rằng chủ chương không dỡ bỏ dần lệnh trừng phạt trước khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa là một "yêu sách vô lí", đồng thời cho rằng để tạo dựng lòng tin giữa 2 nước cần phải giải quyết vấn đề theo từng bước một.
Nhóm 38 North (Mỹ) công bố hình ảnh vệ tinh chụp Trạm phóng Vệ tinh Sohae ở phía Tây Bắc của Triều Tiên.
Triều Tiên thử sự kiên nhẫn của Mỹ
Kể từ sau hội nghị Mỹ Triều ở Hà Nội, ông Trump vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức nào về Triều Tiên. Việc này đối với người thường xuyên đưa ra những phát ngôn ấn tượng như ông Trump được cho là một động thái mang tính chính trị đặc biệt của Mỹ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Pompeo từng phát biểu rằng: "Chúng tôi đã thành công hơn cả về đám phán ngoại giao cũng như thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên hơn bất kì chính phủ tiền nhiệm nào", "Chúng tôi hi vọng rằng cả nỗ lực đàm phán và thi hành lệnh trừng phạt kinh tế đều có thể diễn ra thuận lợi".
Theo Newsis, nhận xét của ông Pompeo là rõ ràng nhất về lập trường của Mỹ. Nó có nghĩa là đẩy các lệnh trừng phạt và đàm phán đến mức tối đa để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn của Triều Tiên.
Nhưng Mỹ được cho là đang vật lộn với việc họ sẽ có thể duy trì vị thế của mình trong bao lâu.
Hãng CNN đưa tin trong trường hợp Triều Tiên phóng vệ tinh tại căn cứ tên lửa ở bờ biển phía Tây thì Mỹ sẽ cân nhắc hoặc tiếp tục nổ lực đàm phán ngoại giao với Triều Tiên hoặc thực hiện những biện pháp cứng rắn khắc nghiệt với Bình Nhưỡng.
Các vụ phóng vệ tinh tương đương về mặt kỹ thuật với các vụ phóng tên lửa. Chỉ khác nhau ở chỗ ở động cơ đẩy được trang bị vệ tinh nhân tạo hay trang bị đầu đạn hạt nhân. Đó chính là lí do tại sao nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc cấm phóng vệ tinh nhân tạo.
Tuy nhiên các vụ phóng vệ tinh và phóng thử tên lửa hạt nhân lại có sự khác biệt lớn về ý nghĩa chính trị. Bình Nhưỡng cho rằng việc phóng vệ tinh nhân tạo là một "hành động nhằm phát triển một vũ trụ hòa bình" và tuyên bố việc Mỹ chỉ cấm Triều Tiên trong khi tất cả các nước khác được phép thực hiện là một động thái không công bằng.
Vào năm 2012 cả Mỹ và Triều đều đã đồng ý với lệnh cấm phóng tên lửa nhưng chỉ thỏa thuận trên bị gỡ bỏ do Triều Tiên thực hiện một cuộc phóng vệ tinh nhân tạo chỉ một tháng sau thỏa thuận 29/2 được kí kết.
Cũng lúc đó, Mỹ cho rằng vụ phóng vệ tinh đó không khác gì một vụ phóng tên lửa, phê phán Triều Tiên vi phạm hiệp ước và bác bỏ quan điểm của Triều Tiên về ý nghĩa phát triển hòa bình thế giới của hành động phóng vệ tinh đó.
Theo Newsis, việc khôi phục bãi phóng ở bờ biển Tây của Triều Tiên rõ ràng không phải để thử tên lửa mà là để phóng vệ tinh do chưa từng có vụ thử tên lửa nào được thực hiện ở địa điểm này.
Mỹ chưa nói rõ sẽ làm gì nếu Triều Tiên thực hiện vụ phóng vệ tinh này. Cho đến nay, cả hai ông Pompeo và Bolton đều chỉ sử dụng thuật ngữ 'thử nghiệm hạt nhân và tên lửa' và chưa bao giờ nói đến thuật ngữ phóng vệ tinh.
Theo như hãng CNN, động thái này diễn ra vì Mỹ vẫn đang cân nhắc nên tuyên bố ngừng đàm phán theo như quy định hay vẫn tiếp tục những nỗ lực ngoại giao trong đàm phán hạt nhân với Triều Tiên nếu nước này thực hiện một cuộc thử tên lửa hạt nhân.
Điều này có thể phụ thuộc vào tình hình thực tế nhưng khả năng cao Mỹ vẫn sẽ duy trì những nỗ lực ngoại giao dù cho Triều Tiên có phóng vệ tinh đi chăng nữa, Newsis nhận định.
"Triều Tiên dường như cũng đã dự đoán được ở một mức độ nào đó sự lo lắng của Mỹ nên mới thực hiện tái khởi động bãi phóng ở bờ biển phía Tây.
Bình Nhưỡng cũng không ngần ngại gián đoạn các cuộc đàm phán ngoại giao với Mỹ nhưng dường như để phá vỡ lập trường "chỉ dỡ bỏ bớt lệnh trừng phạt sau khi phi hạt nhân hóa" của Mỹ, Triều Tiên phải chọn "chiến thuật chớp nhoáng" nhằm giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy ra", báo Hàn Quốc nhấn mạnh.
Đặc biệt, vào đầu tháng sau, Triều Tiên sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên của Hội nghị Nhân dân Tối cao khóa 14. Đây cùng là lần đầu tiên các đại biểu mới được bầu ra trình diện công khai.
Trước đó, Triều đã quyết định phóng vệ tinh đồng thời với khai mạc phiên họp đầu tiên của Hội nghị Nhân dân Tối cao khóa 13 năm 2014.
Nhà nghiên cứu cấp cao Siegfried Hecker tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Stanford nhận định rằng "việc tháo dỡ toàn bộ cơ sở hạt nhân Yongbyon do ông Kim Jong Un đề xuất tại hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội" là một đề xuất rất lớn.
Ông cho rằng nếu toàn bộ cơ sở hạt nhân Yongbyon bị phá hủy hoàn toàn thì 70 đến 80% khả năng hạt nhân của Triều Tiên sẽ biến mất.
Theo báo Hàn, ông Kim Jong Un tham dự cuộc họp tại Hà Nội với mong muốn Mỹ sẽ đồng ý phi hạt nhân hóa từng bước nên rất có khả năng Triều Tiên sẽ không chấp nhận yêu sách "chỉ gỡ bỏ lệnh trừng phạt sau khi phi hạt nhân hóa". Với tình hình hiện tại, khả năng cao Triều Tiên sẽ thử tính kiên nhẫn của Mỹ thông qua các vụ phóng vệ tinh.
Sau đó, Bình Nhưỡng sẽ quyết định có nên nối lại đàm phán, hay chuẩn bị cho một cuộc chiến lớn và làm tăng thêm căng thẳng sau khi xem xét thái độ của Mỹ. Nếu như sau khi phóng vệ tinh mà Mỹ vẫn không từ bỏ đàm phán thì Triều Tiên cũng sẽ tiếp tục đám phán với Mỹ.
Sau tất cả, nếu như đàm phán được nối lại, kế hoạch "Yongbyon +" sẽ vạch ra lộ trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Những nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đào Triều Tiên sẽ tiến thêm một bước quan trọng.