NATO dồn quân bao vây, chĩa tên lửa vào Nga

Kiệt Linh |

Các nước thành viên NATO đang khôi phục lại những chính sách, chiến thuật thời Chiến tranh Lạnh bằng cách điều quân đi khắp Đại Tây Dương và triển khai vũ khí gần các đường biên giới của Nga, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia của Nga - ông Mikhail Popov cáo buộc.

Phát biểu với báo giới, ông Popov cho hay, trong hai năm vừa qua, Lực lượng Phản ứng của NATO đã tăng từ 25.000 quân đến 40.000 quân trong khi các nhóm chiến thuật lên tới 1.000 mỗi đơn vị đang được triển khai ở một loạt nước Baltic.

“Hệ thống triển khai quân xuyên Đại Tây Dương thời Chiến tranh Lạnh đang được khôi phục lại và đang được sử dụng để điều các lực lượng đặc nhiệm đến đóng tại các đường biên giới của Nga”, ông Popov cáo buộc.

NATO cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh mạng với Nga bằng việc mở một loạt trung tâm truyền thông ở Riga, Latvia và Tallinn, Estonia, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Popov cho biết. Những trung tâm này nhằm mục đích “vô hiệu hóa các mạng lưới cơ sở hạ tầng then chốt của một đối thủ tiềm năng - trước hết là Nga”, ông Popov cáo buộc.

Vị quan chức cấp cao của Nga cũng nhắc đến dự án của NATO trong việc đảm bảo triển khai 30 tiểu đoàn binh sĩ, 30 đội máy bay và 30 tàu chiến trong vòng 30 ngày xảy ra xung đột. Dự án này đã được thông qua ở Brussels hồi tháng Sáu năm ngoái.

Việc triển khai các vũ khí phòng thủ tên lửa đạn đạo ở các nước Châu Âu là một minh chứng khác cho thấy NATO gia tăng các chiến dịch gần biên giới Nga, ông Popov tố cáo. “Người Mỹ rõ ràng đã quên” việc họ triển khai các vũ khí phòng thủ tên lửa đạn đạo đầu tiên là để chống lại cái gọi là “mối đe dọa tên lửa từ Iran”, ông Popov nhấn mạnh.

Những cáo buộc trên được Phó Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia của Nga đưa ra trong bối cảnh Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cả hai bên đều có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.

Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine.

Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga.

Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO.

Gần đây, quan hệ Nga và NATO tiếp tục leo thang căng thẳng sau khi xảy ra vụ đụng độ hải quân giữa Nga và Ukraine ở Biển Đen hồi tháng 11 năm ngoái. Ngoài vụ việc này, Nga và NATO còn đang mâu thuẫn về kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ và về Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung.

Nga cảnh báo rằng, một chiến lược phòng thủ tên lửa mới của Mỹ trong khu vực có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm trong không gian và sẽ không khác gì việc khởi động lại chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” thời Chiến tranh Lạnh.

NATO cũng đang quan ngại về diễn biến xoay quanh Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung. NATO cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước vì lý do Moscow tiếp tục phát triển tên lửa hạt nhân, đi ngược lại với những quy định được đưa ra trong hiệp ước.

Rõ ràng, mâu thuẫn giữa Nga và NATO đang chồng chất. Khả năng hóa giải những mâu thuẫn này là vô cùng thấp và giới phân tích tin rằng, quan hệ giữa Nga và NATO vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng trong thời gian trước mắt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại