“Tuyên bố của Nga đe dọa nhắm đến các nước đồng minh (NATO) là không thể chấp nhận được. Chúng tôi kêu gọi Nga tập trung tuân thủ trở lại Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). NATO là một liên minh phòng thủ, sẽ sẵng sàng bảo vệ tất cả các thành viên trước mọi mối đe dọa. Chúng tôi không muốn một cuộc chạy đua vũ trang mới và các nước thành viên đã liên tục kêu gọi Nga phá hủy một cách kiểm chứng được tên lửa tầm trung của họ” – người phát ngôn NATO nói.
Tổng thống Nga Putin trong bài phát biểu thông điệp liên bang. (Ảnh: NBC)
Theo người phát ngôn, khối liên minh này đang đánh giá hậu quả của việc Nga vi phạm hiệp định INF. Bất cứ phản ứng nào cũng sẽ được thống nhất và tính toán, bên cạnh đó NATO không có ý định triển khai vũ khí hạt nhân trên mặt đất ở châu Âu.
“Việc Nga phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO là nỗ lực phân tán sự chú ý khỏi việc họ vi phạm hiệp định INF. Đây là những bình luận đã có từ lâu và không căn cứ. Như chúng tôi liên tục làm rõ, hệ thống phòng thủ tên lửa của khối liên minh chỉ là phòng thủ đơn thuần.” – người phát ngôn nói thêm.
Hiệp định Vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) , được ký kết bởi Liên Xô và Mỹ vào ngày 8/12/1987, có hiệu lực ngày 1/6/1988. Nó áp dụng cho các tên lửa mặt đất được triển khai và không triển khai ở tầm trung ( 1.000-5.000 km) và tầm ngắn hơn (500-1.000 km). Washington nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm hiệp định, nhưng Matxcơva kịch liệt bác bỏ mọi cáo buộc và bày tỏ sự bất bình về việc không tuân thủ Washington.
Ngày 1/2/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố đình chỉ các nghĩa vụ của Washington theo INF bắt đầu từ ngày 2/2. Washington muốn rút khỏi hiệp định trong vòng 6 tháng trừ khi Nga quay lại tuân thủ thực sự.
Vào ngày 2/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga cũng đang đình chỉ thỏa thuận. Ông chỉ thị ngừng các cuộc đàm phán với Washington về vấn đề này và nhấn mạnh rằng Mỹ cần thể hiện sự sẵn sàng cho một cuộc đối thoại bình đẳng và thực chất.
Trong thông điệp liên bang ngày 20/2, nhà lãnh đạo Nga nói rằng "Nga sẽ không có ý định triển khai tên lửa tới châu Âu. Nhưng nếu Mỹ triển khai các tên lửa như vậy tới gần Nga, Matxcơva sẽ buộc phải đưa ra các phản ứng đáp trả. Trong trường hợp điều này xảy ra, Nga sẽ không chỉ nhắm vào các vị trí có thể phóng tên lửa đe dọa nước Nga mà cả các đầu não đưa ra các quyết định liên quan tới các tên lửa đó".
Nhà lãnh đạo Nga cho biết người Mỹ đã vi phạm các điều khoản trong hiệp ước một cách tinh vi như triển khai các bệ phóng tương thích của tên lửa Tomahawk ở Đông Âu và sử dụng tên lửa tầm trung làm mục tiêu trong các cuộc thử nghiệm chống tên lửa.