Đồng minh Mỹ ngả sang Trung Quốc
Mới đây, chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức từ bỏ ý định thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian tại nhiệm còn lại của ông.
Trong khi đó, trong thời gian tranh cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã từng nêu ra các chính sách kinh tế riêng, trong đó ông tiếp tục khẳng định quan điểm chống lại TPP.
Một số chuyên gia cho rằng, TPP gặp bế tắc sẽ giúp Trung Quốc nâng cao địa vị lãnh đạo trong lĩnh vực giao dịch thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đặc biệt, những năm gần đây, Bắc Kinh liên tiếp bắt tay với nhiều đối tác khởi xướng các sáng kiến như: Một vành đai một con đường, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Ông James Woolsey - Cố vấn cấp cao chính sách an ninh quốc gia của ông Trump từng phát biểu, sự lạnh nhạt của chính quyền Obama với AIIB là "sai lầm chiến lược" và hy vọng chính quyền mới của Trump sẽ "nhiệt tình hơn" với sáng kiến Một vành đai, một con đường của Trung Quốc.
Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) dẫn lời một số chuyên gia cho rằng, trì trệ của TPP sẽ đẩy các đồng minh của Mỹ - đặc biệt các đồng minh châu Á - vào vị thế vô cùng khó xử và sẽ làm giảm uy tín của Washington.
Miles Kahler - nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ đánh giá, chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Trump có thể sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề kinh tế trong nước, và như vậy, sẽ tạo cho Trung Quốc cơ hội lấn lướt các quốc gia khác ở châu Á - Thái Bình Dương.
TPP bị mắc kẹt cũng có thể giúp nâng cao sức ảnh hưởng của Hiệp định Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) mà Trung Quốc là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ hiệp định này.
Mới đây ngày 17/11, tờ Financial Times (Anh) dẫn lời Bộ trưởng thương mại Australia - một đồng minh thân cận của Mỹ - ông Steve Ciobo cho biết, nước này có thể ủng hộ một đề xuất do chính phủ Trung Quốc khởi xướng, đó là Hiệp định Thương mại tự do khu vực châu Á Thái Bình Dương (FTAAP).
"Với tương lai khó lay chuyển của TPP, những người đồng cấp bộ trưởng với tôi và bản thân tôi sẽ cùng hành động để nghiên cứu về Khu vực thương mại tự do Châu Á Thái Bình Dương", ông Ciobo nói
Còn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cho biết: "Không có gì nghi ngờ rằng Nhật Bản sẽ xoay trục sang RCEP nếu TPP không được thực hiện".
Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy phát triển các sáng kiến kinh tế nhằm giảnh ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Internet
Tại APEC 2016, Trung Quốc đang chiếm ưu thế?
Ngày 17/11, tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức ở Peru, các nhà lãnh đạo cấp cao các nước như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình... đều tới tham dự.
Theo giới phân tích chính sách ngoại giao, từ trước đến nay, nước Mỹ luôn đóng vai trò chủ đạo tại tổ chức này, tuy nhiên xét theo tình hình hiện nay, "quốc gia nào sẽ lãnh đạo tổ chức này trong tương lai thì chưa dễ xác định".
Tờ Bangkok Post (Thái Lan) ngày 17/11 nhận định, hội nghị APEC năm nay sẽ khác với những kỳ APEC trước đây bởi lời đe dọa hủy bỏ TPP của ông Trump.
"Hội nghị APEC năm nay đang nằm trong tay Trung Quốc. Họ (Trung Quốc) không chỉ có một kế hoạch kinh tế liên quan đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương ", tờ báo Thái Lan bình luận.
"Nếu TPP thất bại, các thành viên APEC sẽ nhận thức được sự cần thiết phải tìm phương thức hợp tác thay thế. Một RCEP với quy mô lớn hơn, toàn diện hơn sẽ thu hút họ", tờ này nhận nhận định thêm.
Tờ Zaobao (Singapore) cho rằng, từ trước đến nay, những hiệp định thương mại tự do không chỉ thuần túy là vấn đề kinh tế, mà bao gồm một sự cân bằng địa chính trị sâu rộng, đặc biệt trên bàn cờ chiến lược giữa Trung Quốc - Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Tại hội nghị APEC năm nay, Trung Quốc đã sẵn sàng để thúc đẩy sáng kiến Hiệp định Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP)...
Nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump tự cô lập trước xu thế này, cuối cùng sợ rằng sẽ không có cách nào để thực hiện lời hứa "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" mà lại khiến Washington mất đi địa vị độc tôn tại khu vực này", Zaobao viết.
Trong khi đó, chuyên gia Học viện quan hệ quốc tế Moscow, Nga - ông Nikolai Arabov đánh giá, tại hội nghị APEC đang diễn ra ở Peru, Trung Quốc đang nắm giữ ưu thế hơn nước Mỹ.
"Không phô trương như Washington, Bắc Kinh đang khéo léo thực hiện các sáng kiến dựa trên lợi ích chiến lược của bản thân", chuyên gia Nga kết luận.