Haruki Murakami từng nói: “Cái gọi là trưởng thành , chính là con người ta phải vật lộn với nỗi cô đơn, tổn thương, mất mát, lạc lõng… nhưng vẫn phải tiếp tục sống.”
Bước vào tuổi trung niên, ta mới hiểu thế nào là không thể đoán được tương lai phía trước, trong khi phía sau lại không có bất kỳ “chiếc phao cứu sinh” nào, ta chỉ có thể tự mình chiến đấu mà thôi.
Sau khi đã biến những tổn thương thành chiếc áo giáp, chúng ta nghĩ rằng mình đã được tôi luyện để trở nên cứng cỏi hơn bao giờ hết. Nhưng ta không bao giờ nghĩ rằng sức mạnh, niềm kiêu hãnh và lòng tự phụ ấy lại bị phá vỡ trong phút chốc chỉ bằng một vài câu hỏi xã giao đơn giản dưới đây.
1. Dạo này sức khỏe ổn không?
Ba tháng trước, một người bạn có tên là Khương Phong đột nhiên sụt 20kg và tay chân bắt đầu có dấu hiệu run rẩy. Khi được vợ khuyên nên đến bệnh viện để khám thì anh mới phát hiện mình mắc bệnh cường giáp.
Thế là, dù chỉ mới 31 tuổi, nhưng anh đã phải làm quen với việc uống 18 viên thuốc mỗi ngày và đến bác sĩ kiểm tra sức khỏe đều đặn hàng tháng.
Khương Phong cho biết: “Lúc khám bệnh, lòng bàn tay tôi toát hết mồ hôi. Tôi sợ lỡ mình mắc phải căn bệnh nặng nào đó, tôi sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình. Nếu thế thật thì vợ con tôi phải làm sao?”
Một khi bước vào độ tuổi trung niên, chúng ta không biết từ bao giờ đã trở thành kẻ “nhát gan” mất rồi. Dù trước đó không có lịch sử bệnh tật, nhưng không hiểu sao ta luôn sợ, thậm chí trốn tránh việc đi kiểm tra sức khỏe.
Tiền có thể mua được tất cả, ngoại trừ sức khỏe. Hãy trân quý sức khỏe của mình khi còn có thể. Ảnh: Aboluowang
Một cư dân mạng từng nói đùa rằng: “Mỗi lần xem giấy báo khám sức khỏe là cứ như xem điểm thi hồi còn đi học vậy. Trước đây khám sức khỏe dù có gì bất thường cũng cảm thấy bình thường, nhưng khi đã có tuổi thì 2 chữ ‘bình thường’ đó là ngoại lệ.”
Nguyên nhân là do áp lực cuộc sống và nhịp sống công việc hiện nay khiến chúng ta - những người ngày đêm hết mình mưu sinh vì cuộc sống hạnh phúc, bỏ qua ý nghĩa của sức khỏe, chúng ta thật sự nợ sức khỏe của mình một lời xin lỗi.
Schopenhauer từng nói: “Sai lầm lớn nhất mà con người mắc phải là đánh đổi sức khỏe để đổi lấy những vật ngoài thân”.
Nếu vẫn còn kịp, chúng ta đừng làm việc quá sức và hành hạ cơ thể của mình. Hãy ăn ngoài ít đi, vào bếp nhiều hơn; thức khuya ít hơn, đi ngủ và dậy sớm nhất có thể; tập thể dục điều độ và giữ một tâm trạng tốt.
Bởi vì sức khỏe là canh bạc mà chúng ta không tài nào thắng nổi.
2. Đã bao lâu rồi không gặp cha mẹ già của mình?
Mạng xã hội Trung Quốc từng lan truyền video về một cô gái đi làm ở xa, vì không thể về thăm nhà thường xuyên nên cô đã lắp camera ở ngôi nhà dưới quê của cha mẹ.
Có lần cô gọi điện cho cha mình qua hệ thống giám sát. Khi nhìn vào camera, cô thấy cha đột nhiên đứng dậy khỏi ghế sô pha, hoang mang và không ngừng tìm kiếm nguồn phát ra của âm thanh.
Thấy xung quanh không có ai, cha cô cho rằng do hàng xóm đang phàn nàn chuyện gì đó, ông tuyệt nhiên không nhận ra giọng nói của con gái mình qua hệ thống giám sát.
Và ngay dưới video này xuất hiện một bình luận: “Ngay cả cha bạn còn không nhận ra giọng nói của bạn nữa, không cần nói cũng biết đã lâu rồi bạn không gặp cha mẹ của mình.”
Chỉ là một câu bình luận ngắn, nhưng khiến không ít người chạnh lòng… Nhìn thấy bóng dáng cô đơn của ông cụ, ai cũng chợt thấy mình thực sự đã mang ơn cha mẹ quá nhiều.
Dù đi đâu về đâu, cũng luôn phải nhớ ở nhà vẫn còn 2 mái đầu bạc đang đợi bạn về thăm họ. Ảnh: Aboluowang
Trong cuộc sống, nhiều người trong số chúng ta đã lựa chọn xông pha “chiến trường” để theo đuổi lý tưởng của mình; lựa chọn đến nơi xa xứ làm việc chỉ vì vài đồng lương ít ỏi.
Chúng ta ai cũng từng buông bỏ rất nhiều điều, nhưng lại không biết rằng, ngày mà chúng ta rời khỏi nhà đi, thứ mà cha mẹ buông bỏ dường như là cả thế giới.
Ai đó đã từng nói: “Đạo hiếu chân chính là về nhà ăn thật nhiều bữa cơm với cha mẹ”. Bởi vì từng chén thịt, từng dĩa rau này đại diện cho tình thương, nỗi nhớ đối với cha mẹ của những ai làm con.
Nếu có thể, hãy về nhà nhiều hơn để gặp bố mẹ, ăn bữa với họ, xem tin tức và trò chuyện với họ.
Bởi vì thời gian không chờ đợi một ai, và thời gian cũng không thể xoa dịu đi sự hối tiếc.
3. Còn liên lạc với những người bạn cũ không?
Tại buổi họp lớp, lớp trưởng hỏi Trần Hân: “Gần đây Lý Lộ có liên lạc với bạn không? Lớp chúng ta có 30 người, hôm nay thiếu mỗi mình cô ấy.”
Trần Hân rót rượu và cạn ly với lớp trưởng. Đây không phải là lần đầu tiên cô cảm thấy ngượng ngùng khi nghe câu hỏi này.
Thời đại học, Trần Hân và Lý Lộ là bạn cùng phòng, họ cùng nhau đến lớp, đi ăn và mua sắm, dường như không bao giờ tách rời nhau. Thậm chí vào một kỳ nghỉ hè, cha của Lý Lộ bị thương, Trần Hân còn đến nhà cô để phụ giúp. Không ai không biết họ là đôi bạn thân cả.
Nhưng chính câu hỏi của lớp trưởng đã làm dấy lên vết sẹo của tình bạn này:
Không xảy ra chuyện gì đặc biệt, chỉ là không còn sự thân mật của ngày trước; không có chủ đề chung để nói với nhau thì cuộc sống của cả hai sẽ mất đi những giao điểm.
Hai người họ vốn dĩ muốn gọi điện thoại để bộc bạch những suy nghĩ của mình, nhưng vì ngại phải nói lại từ đầu, nên ta thường mất đi tâm trạng muốn liên lạc lại với người kia.
Theo thời gian, tình bạn tri kỷ đó bỗng trở thành: Nếu bạn không liên lạc với tôi, tôi cũng sẽ không làm phiền bạn.
Dần dần, hai người đã thay đổi từ cách nói chuyện thân thiết trước đây sang chào hỏi lịch sự qua WeChat. Những người bạn thân không thể tách rời ngày trước giờ không khác gì người qua đường trong cuộc đời của nhau, có cũng được, không có cũng chẳng sao.
"Tri kỷ khó tìm", nếu nhìn lại bạn vẫn có một hoặc 2 người bạn thân thiết, thì bạn thật may mắn. Ảnh: Aboluowang
Tam Mao từng nói: “Bạn bè mất liên lạc với nhau là chuyện thường tình. Nhưng đến khi trò chuyện lại với nhau mà ta vẫn cảm thấy ấm áp trong lòng, thì đó chính là tri kỷ.”
Gặp được nhau là may mắn, hãy cảm thấy mãn nguyện vì chúng ta đã từng đồng hành cùng họ trên đoạn đường đó.
Tin rằng, dù thời gian có thay đổi thế nào thì chúng ta cũng sẽ trân trọng kỉ niệm đẹp ấy, và âm thầm chúc phúc cho nhau những lời chúc tốt lành.
4. Có đủ tiền để dùng không?
Sau Tết Nguyên Đán năm ngoái, nhà máy của ông Lý bắt đầu bị giảm sản lượng, thu nhập của ông cũng giảm đi một nửa, hơn một năm nay vẫn không có tiến triển gì tốt.
Trước đây ông Lý luôn cùng mọi người ăn uống, đi du lịch… nhưng gần nửa năm nay không ai gặp ông ấy cả.
Cách đây vài ngày, một vài người bạn đã hẹn nhau để chúc mừng sinh nhật ông Lý, và họ tình cờ gặp mẹ ông ấy. Mẹ ông một thân một mình ngồi 2 giờ đồng hồ xe khách từ dưới quê lên để chúc mừng sinh nhật con trai, trong túi bà còn có 10.000 nhân dân tệ.
Sau khi ăn xong, lúc mọi người ngồi trong phòng khách tán gẫu, người mẹ đi tới và kéo ông Lý qua một bên: “Con trai, tiền trong túi con không đủ tiêu sao? Nếu con có chuyện thì cứ nói với mẹ, tuy mẹ không có nhiều nhưng mẹ có thể giúp con, đừng chịu đựng một mình.”
Có lẽ do áp lực dồn nén quá lâu, người đàn ông cao hơn 1,8 mét như ông Lý bỗng gục đầu trên vai mẹ, khóc nấc lên.
Lúc này, ông Lý đã dùng hết dũng khí để thốt lên lòng mình: “Sản lượng của nhà máy không tăng, và tiền lương của con vẫn vậy. Trước mắt con chỉ thấy số tiền tiết kiệm bao năm qua phải đổ hết vào tiền thế chấp nhà và xe…”
Câu nói của ông Lý đã nói lên nỗi chua xót, bất lực của cuộc đời, và cũng vô tình nói lên một sự thật rằng tuổi trung niên ai cũng phải “bôn ba vì tiền, lo lắng vì tiền.”
Không ai hiểu được áp lực mà người trưởng thành phải gánh vác, cơm áo gạo tiền là thứ làm ta mãi lo toan. Ảnh: Aboluowang
Sinh ra trên đời này, không ai có thể tránh khỏi việc tảo tần vì ba bữa ăn. Nhưng hãy tin rằng dù cuộc sống khó khăn nhưng chúng ta không đơn độc. Chỉ cần bạn dũng cảm, nghiến răng nhìn về phía trước, tia hy vọng sẽ không còn xa.
Lời kết
Trương Ái Linh từng viết: “Sự trưởng thành thực sự, có lẽ là đối với những thứ bạn thích, bạn sẽ cứ thích, nhưng bạn không còn ép bản thân phải sở hữu chúng nữa; đối với những điều làm bạn sợ hãi, bạn sẽ cứ sợ, nhưng bạn đã dám đối mặt với nỗi sợ đó.”
Sau khi trải qua những năm tháng không mấy suôn sẻ, ai trong chúng ta cũng sẽ bình tâm lại và hiểu ra: Nỗi đau, sự bất lực, sự lạnh nhạt và mất mát mà ta đã phải chịu đựng trong quá khứ, sẽ được viết thành câu trả lời cho tất cả những nghi vấn trong phần đời còn lại của chúng ta.
Mong rằng chúng ta sau khi nếm trải đủ đắng, cay, ngọt, bùi của cuộc sống đều có thể lắng lòng lại, không sợ hãi, không do dự, mỉm cười đi qua giông tố cuộc đời.
Sự thật tàn nhẫn và đau lòng nhất của thế giới người lớn: 99% nỗ lực của chúng ta trong giao tiếp xã hội là vô ích, tại sao lại như vậy?