Cha mẹ là người thầy đầu tiên và cũng là người thầy suốt đời của con.
Chính vì vậy, một đứa trẻ lớn lên thành đạt hay thất bại sẽ phụ thuộc rất lớn vào những bài học nhận được từ "người thầy" này. Theo trang tin Independent, 5 kiểu cha mẹ sau đây sẽ dễ nuôi dạy nên những đứa con thành đạt :
1. Cha mẹ có bằng cấp cao
Một nghiên cứu năm 2014 của Đại học Michigan cho thấy, các bà mẹ từng tốt nghiệp trung học hoặc đại học có xu hướng nuôi dạy con cái cũng có kết quả học tập giống mình.
Nhà tâm lý học người Mỹ Eric Dubow, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: "Trình độ học vấn của cha mẹ lúc con 8 tuổi có giá trị chỉ dẫn quan trọng cho sự thành công về học vấn và nghề nghiệp của con 40 năm sau đó".
Thực tế, những cha mẹ có bằng cấp cao vốn có nền tảng học vấn và kinh nghiệm sẵn. Vì vậy, họ dễ dàng vạch hướng cho con trong quá trình học tập và cả gây dựng sự nghiệp.
Một nghiên cứu kéo dài 30 năm của Đại học Harvard, dựa trên 107 người ở Mỹ thuộc nhiều tầng lớp xã hội, từ lao động đến thượng lưu cũng chỉ ra ảnh hưởng vị thế của cha mẹ tới thế hệ sau vượt xa những gì chúng ta tưởng tượng, không chỉ về tiền bạc mà còn cả hôn nhân, khả năng cảm thông, mạng lưới xã hội.
Theo đó, bố mẹ có trình độ giáo dục cao thường khích lệ con cái học cao hơn.
2. Cha mẹ dạy con làm việc nhà
Nhiều bậc cha mẹ vì quá yêu thương, chiều chuộng con mà nhận làm hết mọi việc nhà, không nỡ để con phải vất vả.
Thực tế, đây không phải yêu thương mà đang dạy hư, khiến con ỷ lại vào người khác. Không chỉ vậy, bố mẹ còn đang tước đi khả năng học hỏi các kỹ năng sống của con.
Bà Julie Lythcott-Haims, chuyên gia từ Đại học Standford và là tác giả cuốn "How to Raise an Adult" (Tạm dịch: Làm thế nào để nuôi dạy một người trưởng thành) cho biết: "Nếu trẻ không rửa bát thì có nghĩa ai đó đang làm việc này hộ chúng. Khi đó, trẻ không chỉ được miễn trừ khỏi công việc mà còn không học được rằng: Phải làm việc và mỗi người phải góp sức mình vào sự thành công của tổng thể.
Cho trẻ làm việc nhà là cách bố mẹ giúp trẻ nhận ra, mình sẽ phải làm việc như một phần của cuộc sống".
Bà Lythcott-Haims tin rằng những đứa trẻ lớn lên cùng với làm việc nhà sẽ trở thành những nhân viên biết hợp tác sau này với đồng nghiệp, và biết thông cảm hơn, bởi chúng nhận ra khó khăn thực sự đằng sau mặt ngoài vấn đề.
3. Cha mẹ đặt kỳ vọng vào con
Giáo sư Neal Halfon và cộng sự từ Đại học Los Angeles, Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu dựa trên 6.600 đứa trẻ sinh năm 2001 bằng cách cho trẻ làm một bài kiểm tra.
Kết quả cho rằng, những kỳ vọng của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập, trau dồi kiến thức của con.
"Những ông bố bà mẹ đặt kỳ vọng con phải đỗ đại học cố gắng hết mức để hướng trẻ đến mục tiêu đó, bất kể thu nhập của họ ra sao", giáo sư Neal Halfon cho biết.
Theo đó những đứa trẻ được bố mẹ kỳ vọng phải đỗ đại học có kết quả kiểm tra cao hơn hẳn so với những đứa trẻ không được bố mặt đặt kỳ vọng nhiều. Nói cách khác, nhiều đứa trẻ sống theo kỳ vọng của bố mẹ.
4. Cha mẹ dạy con các kỹ năng xã hội
Các nghiên cứu từ Đại học bang Pennsylvania và Đại học Duke, Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu kéo dài 20 năm, theo dõi 700 trẻ từ độ tuổi mẫu giáo đến khi 25 tuổi.
Kết quả cho thấy, những trẻ được bố mẹ dạy các kỹ năng xã hội như kỹ năng chia sẻ, đồng cảm, tự giải quyết vấn đề... từ mẫu giáo có xu hướng thành công hơn khi trưởng thành.
Những người thiếu các kỹ năng xã hội trên có tỷ lệ phạm tội, ngghiện ngập cao hơn. Một số phải sống nhờ trợ cấp xã hội.
Bà Kristin Schubert, giám đốc chương trình của quỹ Robert Wood Johnson - quỹ tài trợ cho nghiên cứu trên nhận xét: "Nghiên cứu này cho thấy phát triển kỹ năng xã hội và kỹ năng cảm xúc là một trong những điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm để chuẩn bị cho tương lai của trẻ.
Các kỹ năng này có thể đóng vai trò quyết định lớn đối với tương lai một đứa trẻ, được công ty lớn tuyển dụng hay trở nên nghiện ngập, thất nghiệp".
5. Cha mẹ dạy con các kỹ năng tính toán từ sớm
Nhà kinh tế học nổi tiếng, đồng thời là giáo sư tại đại học California, Greg Duncan đã thực hiện một nghiên cứu dựa trên 35.000 trẻ trên khắp nước Mỹ, Canada và Anh.
Mục đích nghiên cứu nhằm chỉ ra lợi ích của việc trẻ được học các kỹ năng tính toán từ sớm. Các kỹ năng bao gồm việc biết các con số, thứ tự số, các khái niệm về toán.
Theo đó, những đứa trẻ được dạy năng tính toán từ sớm phát triển tư duy tốt hơn so với những trẻ còn lại. "Kỹ năng toán học từ sớm không chỉ dự báo về kết quả học toán về sau mà còn dự báo tương lai thành đạt của trẻ", Greg Duncan cho biết.