Muối có rất nhiều công dụng: Làm gia vị nấu nướng, bảo quản đồ ăn, khử trùng thực phẩm trong các bước sơ chế, làm sạch và diệt khuẩn đồ dùng, vệ sinh cơ thể...
Do hiện tại trên thị trường có nhiều loại muối, trong đó không ít loại khá đắt đỏ, được quảng cáo với tác dụng tuyệt vời nên câu hỏi "nên nấu ăn bằng loại muối nào" được nhiều người đặt ra.
Nên nấu ăn bằng loại muối nào?
TS Vũ Thị Tần (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết trong bài đăng trên Vnexpress rằng cả muối biển và muối mỏ (các loại muối chưa qua tinh chế) đều chứa nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe, tạo vị ngọt tự nhiên nên là lựa chọn lành mạnh để làm gia vị nêm cho các món ăn.
Muối biển (loại muối nguyên hạt) chứa hơn 80% natri clorua, ngoài ra còn có các vi chất khác như sulfat, carbonate, canxi, kali, magiê, sắt và kẽm.
Muối hạt (muối biển và muối mỏ) có vị ngọt hậu giống như vị ngọt của nước mắm cốt. Những người không có thói quen dùng mỳ chính nên chọn loại muối này khi nấu ăn, tuy nhiên cần chọn loại muối sạch.
Theo TS Tần, muối maldon (loại muối biển có dạng vảy) rất phù hợp làm nước sốt salad, làm gia vị cho món thịt (được thêm trực tiếp vào sản phẩm đã nấu chín) hoặc pha chế cocktail.
Phân biệt các loại muối thông dụng
Tuy có khác biệt về cấu trúc, kích cỡ, màu sắc và hương vị nhưng suy cho cùng, trong nấu nướng, muối có chức năng chính là tạo vị mặn cho món ăn, không phải là nguồn cung cấp vi chất dinh dưỡng. Điều quan trọng là bạn kiểm soát được chất lượng muối, đảm bảo dùng loại muối sạch, không ô nhiễm các chất độc hại.
Các loại muối thông dụng bao gồm:
Muối ăn tinh luyện
Loại muối này được xay rất mịn và trải qua nhiều quá trình để loại bỏ tạp chất và các khoáng chất vết (trace minerals). Muối được tinh chế ở mức cao dễ bị đóng cục, nhà sản xuất thường thêm chất chống vón cục để hạn chế hiện tượng này.
Muối ăn thông thường có tỷ lệ natri cloride tinh khiết cao, chiếm 97% hoặc nhiều hơn. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, muối ăn được bổ sung i-ốt nhằm ngăn ngừa các bệnh do thiếu i-ốt, suy giảm trí nhớ và một số bệnh khác.
Nếu muối ăn bạn dùng không chứa i-ốt, hãy bổ sung chất này bằng cách tiêu thụ các thực phẩm giàu i-ốt khác như cá biển, sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng và rong biển.
Muối biển hạt
Muối biển được thu hoạch bằng cách làm bay hơi nước biển. Ngoài thành phần chính natri clorua, tùy thuộc vào từng khu vực và công thức chế biến, loại muối này còn sót lại một số khoáng chất vi lượng, bao gồm kẽm, sắt và kali.
Muối biển có màu càng sẫm thì nồng độ tạp chất và dinh dưỡng càng cao. Hiện nay tình trạng ô nhiễm nước biển đang ở mức độ đáng báo động, do đó muối biển có thể chứa kim loại nặng, đặc biệt là chì.
Bên cạnh đó, muối biển cũng có thể chứa vi nhựa (microplastic) từ các loại rác thải nhựa.
Muối kosher
Người Do Thái xưa sử dụng riêng một loại muối để ngâm thịt cá với mục đích là loại bỏ hoàn toàn máu đọng, đó là muối kosher. Sau này, muối kosher dần phổ biến hơn ở các quốc gia khác và được dùng trong cả việc nấu nướng.
Hạt muối kosher có cấu trúc thô, nhiều góc cạnh và thường ít được bổ sung i-ốt. Kích thước lớn của hạt muối kosher giúp các đầu bếp dễ dàng lấy bằng ngón tay và rải lên thức ăn.
Tuy muối kosher có cấu trúc và hương vị khác biệt nhưng khi dùng để nấu ăn thì hoàn toàn không khác gì muối tinh thông thường.
Muối hồng Himalaya
Đây là loại muối được khai thác từ dãy núi Himalaya, chủ yếu là từ mỏ muối Khewra (Pakistan) - mỏ muối lớn thứ nhì thế giới.
Các tinh thể muối Himalaya có một lượng rất nhỏ ô-xít sắt nên có màu sắc đặc biệt, gam màu trải dài từ đỏ, hồng, mức độ đậm nhạt khác nhau.
Loại muối này còn chứa một lượng nhỏ các chất khác như canxi, sắt, kali, magie, do đó lượng natri tinh khiết của nó thấp hơn muối ăn thông thường một chút.
Muối celtic
Muối celtic là một loại muối biển phổ biến tại nước Pháp. Nó có màu hơi xám và độ ẩm cao hơn muối ăn thông thường.
Ngoài natri clorua, muối celtic có chứa một số chất khoáng với lượng rất nhỏ.