Nền kinh tế lớn nhất châu Âu chưa thoát khỏi mối đe dọa suy thoái, giai đoạn khó khăn được dự báo vẫn sẽ tiếp diễn

Yến Nguyễn |

Kinh tế Đức gặp khó khăn kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào năm 2022, Bundesbank nhận định.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu chưa thoát khỏi mối đe dọa suy thoái, giai đoạn khó khăn được dự báo vẫn sẽ tiếp diễn- Ảnh 1.

Đức có khả năng đang rơi vào suy thoái do nhu cầu bên ngoài yếu, người tiêu dùng vẫn tỏ ra thận trọng và đầu tư trong nước gặp rào cản vì chi phí vay cao, Bundesbank nhận định trong báo cáo định kỳ hàng tháng về nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Đức đã gặp khó khăn kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào năm 2022 đã đẩy chi phí năng lượng tăng cao. Nền kinh tế của nước này với công nghiệp là chủ chốt đang ở quý thứ 4 liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng bằng 0 hoặc âm. Điều này đang đè nặng lên toàn bộ khu vực đồng euro.

Bundesbank cho biết: “Nền kinh tế Đức vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. GDP có thể giảm nhẹ trở lại trong quý 1/2024. Khi GDP giảm 2 quý liên tiếp, nền kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật.”

Thành tích yếu kém này đã đặt ra câu hỏi về tính bền vững của mô hình kinh tế Đức. Các nhà phê bình cho rằng phần lớn ngành công nghiệp nặng phụ thuộc vào năng lượng của nước này hiện đang bị định giá quá cao trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, chính phủ đã bác bỏ những dự báo ảm đạm, cho rằng đó chỉ đơn thuần là một “cơn bão” do chi phí năng lượng cao, nhu cầu yếu của Trung Quốc và lạm phát nhanh chóng tạm thời kìm hãm tăng trưởng.

Bundesbank cho rằng yếu kém của nước Đức sẽ vẫn tồn tại. Nhu cầu công nghiệp nước ngoài đang có xu hướng giảm và lượng đơn hàng tồn đọng đang giảm dần.

Ngân hàng trung ương cho biết, các doanh nghiệp cũng đang hạn chế đầu tư, một phần vì chi phí tài chính tăng mạnh kể từ khi Ngân hàng Trung ương châu Âu đẩy lãi suất lên mức cao kỷ lục để chống lạm phát. Các cuộc đình công trong các lĩnh vực quan trọng như vận tải cũng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong quý này.

Mặc dù triển vọng còn yếu nhưng ngân hàng kỳ vọng thị trường lao động sẽ không có sự suy giảm lớn. Điều này đã bảo vệ nền kinh tế cho đến nay giúp Đức không phải đối mặt với một cuộc suy thoái kéo dài trên diện rộng.

“Giai đoạn yếu kém của nền kinh tế Đức, vốn vẫn tiếp diễn kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra, sẽ còn kéo dài thêm,” Bundesbank nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại