NATO vừa chê vừa run, huy động 50 tàu chiến bám Kuznetsov

Tuấn Vũ |

Dù nhiều lần chê bai tàu Kuznetsov nhưng trên hành trình biên đội tàu sân bay Nga đến và từ Syria trở về, NATO đã huy động trên 50 tàu bám sát.

Sẵn sàng chiến đấu

Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời chỉ huy Sergei Artamonov của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov ngày 14/2 cho biết, biên đội tàu bị trên 50 tàu NATO bám đuôi trong suốt hành trình đến Syria và trở về.

"Trong chuyến đi, chúng tôi phát hiện sự hiện diện của 50 – 60 tàu NATO gần chúng tôi. Ở một số vị trí, chúng tôi bị từ 10 – 11 tàu NATO bám theo cùng lúc", chỉ huy Artamonov phát biểu trước truyền thông.

Biên đội tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Hải quân Nga rời cảng Severomorsk vào lúc 15h ngày 15/10 (giờ Moskva) bắt đầu hải trình tới Địa Trung Hải.

Trong đội tàu hộ tống hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga có tuần dương hạm Peter Đại Đế, khu trục hạm Severomorsk cùng với 5 tàu khác của Hạm đội Phương Bắc. Để đến được Địa Trung Hải, biên đội tàu sân bay của Nga đã đi qua eo biển Manche và hải trình này đã đặt Hải quân Anh trong trạng thái báo động.

NATO vừa chê vừa run, huy động 50 tàu chiến bám Kuznetsov - Ảnh 1.

Chiến hạm Anh bám sát tàu Đô đốc Kuznetsov.

Tờ Telegraph dẫn nguồn tin từ Hải quân Anh cho biết: "Sự xuất hiện của tàu sân bay Nga không bất ngờ, chúng tôi đã có cách ứng phó với việc này. Bất chấp hải trình của nó đi qua biển Bắc, xuống eo biển Dover và sau đó là eo biển Manche".

Nguồn tin này cho biết, trên hải trình của mình, biên đội tàu Nga đã dừng lại để tập trận tại Biển Bắc và 7 tàu hỗ trợ đã tách ra nhằm khiến nó khó bị theo sát hơn trước nỗ lực của phương Tây.

Để sẵn sàng cho mọi tình huống, Anh đã huy động biên đội tàu chiến gồm những chiến hạm mạnh nhất của mình, trong đó có tàu HMS Duncan, HMS Richmond, tàu hộ tống Type 23 để ngăn chặn trong trường hợp nhóm tàu này vi phạm lãnh hải Anh.

Cùng với Hải quân, Không quân Anh cũng đã đặt những máy bay Rivet Joint, C130 Hercules cùng phi đội chiến đấu cơ Typhoon trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.

Đến ngày 6/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh nhóm tàu này quay trở về trụ sở Hạm đội Phương bắc của Nga sau khi một lệnh ngừng bắn mới ở Syria được tuyên bố ngày 29/12. Nhóm tàu này về tới nơi vào ngày 8/2.

Tàu Nga vô dụng?

Theo Tạp chí Business Insider của Mỹ, việc Nga điều động chiếc tàu sân bay duy nhất của mình đến Syria tham chiến mang mục đích giống với việc tên lửa Kalibr khai hỏa từ biển Caspi hồi cuối năm 2015 vào lực lượng khủng bố IS - động thái này không nằm ngoài mục đích quảng bá vũ khí.

Mặc dù mục đích của Nga khá rõ ràng tuy nhiên theo Business Insider, hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov thường xuyên bị hỏng hóc và sự cố kỹ thuật, trong mỗi chuyến hải trình, con tàu này luôn có tàu kéo kè kè bên cạnh.

Chính vì vậy, con tàu chỉ ở ngoài khơi Syria trong phạm vi hạn chế của tầm bay mà máy bay trên tàu có thể đạt được. Ngoài ra, tạp chí Mỹ còn nhận định rằng tàu Đô đốc Kuznetsov mang theo số lượng máy bay chưa bằng 1/2 tàu sân bay của Mỹ (khoảng 15 chiếc các loại).

Cùng với Business Insider, tạp chí khác của Mỹ là National Interest cũng có nhận định tương tự khi dẫn phân tích của chuyên gia Robert Beckhusen cho rằng, luôn có một quy tắc chung khi bắt gặp những thông tin về tàu chiến Nga, đó là: "Đừng vội tin cho tới khi chứng kiến tận mắt".

Theo vị chuyên gia này, tàu sân bay Nga lần đầu tiên tham gia thực chiến khi đến Syria, vì vậy không có nhiều ứng dụng trong các hoạt động quân sự thực tiễn. Với 55.000 tấn không có máy phóng hơi nước mà sử dụng đường băng kiểu nhảy cầu nên đòi hỏi máy bay trên tàu phải giảm bớt trọng lượng trước khi cất cánh.

Điều này có nghĩa các máy bay trên tàu chỉ chiến đấu với ít nhiên liệu và bom đạn hơn so với các máy bay chiến đấu cất cánh từ căn cứ trên bộ mà Nga đã triển khai tới Syria.

Điểm yếu kém nữa là tàu Kuznetsov - với động cơ thông thường - còn gặp phải nhiều vấn đề. Khả năng hoạt động kém, turbine hơi bị lỗi và nồi hơi kém chất lượng cho thấy đây là một con tàu không đáng tin cậy. Đó là lý do vì sao Nga luôn phải điều tàu kéo đi kè kè tàu Kuznetsov mọi lúc mọi nơi.

Vì vậy, khi hiện diện ngoài khơi Syria, năng lực của con tàu rất hạn chế và gần như chúng chỉ mang tính biểu dương lực lượng của Nga trước Mỹ và các nước đồng minh tham gia chiến dịch quân sự tại Syria.

Và chính năng lực yếu kém của nó đã khiến 2 chiếc chiến đấu cơ lao xuống Địa Trung Hải chỉ sau thời gian ngắn con tàu được triển khai tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại