NATO sắp nhận được “một mũi tiêm tăng cường”?

Minh Đức |

Thổ Nhĩ Kỳ đã có bước đi bất ngờ trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid, tuyên bố rằng họ "đã có được những gì mình muốn".

Cuộc gặp 3 bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển, cùng với Tổng thư ký NATO, diễn ra ngày 28/6/2022, trước khi Hội nghị Thượng đỉnh NATO bắt đầu ở Madrid, để bàn về vấn đề gia nhập liên minh của Helsinki và Stockholm. Ảnh: DW

Cuộc gặp 3 bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển, cùng với Tổng thư ký NATO, diễn ra ngày 28/6/2022, trước khi Hội nghị Thượng đỉnh NATO bắt đầu ở Madrid, để bàn về vấn đề gia nhập liên minh của Helsinki và Stockholm. Ảnh: DW

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö hôm 28/6 thông báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau nhiều tuần khăng khăng “dọa” phủ quyết đề nghị gia nhập của các nước Bắc Âu.

Thông báo trên được đưa ra trước khi Hội nghị Thượng đỉnh NATO chính thức bắt đầu tại Madrid, Tây Ban Nha theo sau một cuộc gặp 3 bên giữa Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan. Cuộc họp do Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg làm trung gian.

Tại sự kiện, một thỏa thuận 3 bên đã được ký kết. Ông Niinistö cho biết, thỏa thuận nhấn mạnh cam kết của cả 3 nước về mở rộng hỗ trợ đầy đủ của họ để chống lại các mối đe dọa đối với an ninh của nhau.

Bản ghi nhớ 3 bên đã được ký kết bởi Ngoại trưởng 3 nước – ông Mevlüt Çavuşoğlu của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Pekka Haavisto của Phần Lan và bà Ann Linde của Thụy Điển - trước sự chứng kiến của cả 3 nhà lãnh đạo quốc gia và Tổng thư ký NATO.

Có gì trong bản thỏa thuận 3 bên?

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đưa ra một tuyên bố, cho biết rằng họ "đã có được những gì mình muốn" và rằng họ đã "đạt được nhiều lợi ích đáng kể trong cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố".

Quốc gia liên lục địa Á-Âu trước đó đã cáo buộc các quốc gia Scandinavia chứa chấp các cá nhân có liên kết với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), mà Ankara coi là một tổ chức khủng bố.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã yêu cầu các nước Scandinavia dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, vốn được áp đặt để đáp trả cuộc tấn công quân sự của Ankara vào Syria năm 2019.

NATO sắp nhận được “một mũi tiêm tăng cường”? - Ảnh 2.

Tổng thư ký Stoltenberg cho rằng việc 2 nước Bắc Âu gia nhập liên minh là điều tốt, đặc biệt là cho an ninh châu Âu. Trong ảnh là các phương tiện quân sự của Thụy Điển và Phần Lan trong cuộc tập trận của NATO ở Evenes, Na Uy, tháng 3/2022.

Ankara đồng thời cũng kêu gọi dẫn độ những cá nhân được phép tị nạn chính trị ở Phần Lan và Thụy Điển, những người mà Ankara cho rằng đã tham gia một cuộc đảo chính bất thành năm 2016.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết, bản ghi nhớ do 3 bên ký hôm 28/6, "giải quyết các mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm xuất khẩu vũ khí và cuộc chiến chống khủng bố".

“Một mũi tiêm tăng cường” cho NATO

Thủ tướng Thụy Điển Andersson ca ngợi bước ngoặt này là "một thỏa thuận rất tốt".

"Thực hiện bước tiếp theo để trở thành thành viên NATO đầy đủ tất nhiên là quan trọng đối với Thụy Điển và Phần Lan. Nhưng đó cũng là một bước rất quan trọng đối với NATO, bởi vì hai quốc gia chúng tôi sẽ là nhà cung cấp an ninh trong NATO", nhà lãnh đạo Thụy Điển nói.

Mỹ gọi thông tin này là “một mũi tiêm tăng cường” đối với NATO.

Bác bỏ suy đoán rằng Ankara sẽ sử dụng đòn bẩy của mình để gây áp lực buộc Mỹ phải xem xét lại thương vụ máy bay chiến đấu công nghệ cao, các quan chức cấp cao của Mỹ tại hội nghị cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã không đưa ra yêu cầu này.

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên rằng Thổ Nhĩ Kỳ không đưa ra yêu cầu về sự nhượng bộ cụ thể nào mà người Mỹ phải làm”.

Tại đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định rằng họ không đưa ra yêu cầu đối với các máy bay chiến đấu tối tân của Mỹ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Hội nghị hôm 29/6.

Phát biểu sau biên bản thỏa thuận 3 bên được ký kết hôm 28/6, Tổng thư ký Stoltenberg nói, “Cánh cửa đang mở - Quá trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ diễn ra. Tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển là tốt cho chính Phần Lan và Thụy Điển, tốt cho NATO, và tốt cho an ninh của châu Âu”.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại