Trong cuộc phỏng vấn kể trên, ông Stoltenberg được hỏi liệu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có lên kế hoạch huy động thêm quân nhân hỗ trợ Kiev đối phó Nga hay không.
"NATO không có kế hoạch tác chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, một số đồng minh của NATO có những người mặc quân phục tại các đại sứ quán để làm công tác cố vấn" - ông khẳng định, theo RT.
Bình luận trên được đưa ra sau khi phát ngôn viên Lầu Năm Góc Pat Ryder nói với tạp chí Politico rằng Washington đang cân nhắc điều động thêm cố vấn quân sự đến Đại sứ quán Mỹ ở Kiev.
Theo Politico, nhóm cố vấn này có thể nhận nhiệm vụ xử lý hậu cần và hỗ trợ bảo dưỡng khí tài Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Mặc dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và một số nhà lãnh đạo châu Âu không loại trừ khả năng NATO đưa binh sĩ đến Ukraine trong tương lai, NATO đến nay khẳng định họ không muốn trực tiếp tham gia xung đột Nga-Ukraine.
Sau nhiều tháng bế tắc, Hạ viện Mỹ ngày 20-4 thông qua gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỉ USD, trong đó có gần 61 tỉ USD dành cho Ukraine.
Tổng thư ký Stoltenberg gọi đây là một thông tin tốt lành, song "sự chậm trễ đã dẫn đến những hậu quả thực tế" trên chiến trường, khiến Ukraine chịu nhiều tổn thất.
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng khẳng định Avdeevka - thành trì bị Nga giành quyền kiểm soát hồi tháng 2 - thất thủ vì quốc hội Mỹ "không hành động".
Nga nhiều lần cảnh báo viện trợ quân sự phương Tây dành cho Ukraine không thể ngăn Moscow đạt được mục tiêu đề ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt, bao gồm dập tắt hy vọng gia nhập NATO của Kiev.
Khí tài bổ sung từ phương Tây chỉ khiến "Ukraine hứng chịu thương vong gia tăng vì chính quyền Kiev" và có thể đẩy các nước phương Tây vào xung đột Nga-Ukraine, Điện Kremlin khẳng định.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 21-4 nhấn mạng với NBC News rằng quốc gia của ông có thể giành chiến thắng.
"Gói viện trợ này sẽ tăng cường sức mạnh cho các lực lượng vũ trang Ukraine. Ukraine có cơ hội chiến thắng nếu được viện trợ khí tài cần thiết" - Tổng thống Zelensky tuyên bố một ngày sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ 95 tỉ USD.
Nếu được Thượng viện Mỹ thông qua trong phiên bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 23-4, dự luật viện trợ nêu trên sẽ được trình lên Tổng thống Biden, người khẳng định sẽ ký ban hành luật.