Học giả Nga gợi ý đánh thẳng "gót Achilles" của Mỹ: Điểm "kích nổ" thế chiến, NATO không thể cứu

Hữu Hiển |

Một học giả nổi tiếng người Nga gợi ý rằng đất nước ông nên đặt mục tiêu "chiếm giữ" một bang của Mỹ không được bảo đảm an ninh tập thể theo Điều 5 của Hiệp ước NATO.

Andrey Sidorov - Trưởng khoa Chính trị Thế giới tại Đại học Quốc gia Moscow - đã đưa ra đề xuất này khi xuất hiện trên chương trình 'Buổi tối cùng Vladimir Solovyov' vào khung giờ vàng trên đài Russia-1 thuộc sở hữu nhà nước Nga hôm 3/4.

Theo trang Newsweek, đề xuất này được đưa ra sau lời kêu gọi của một số nhà khoa học chính trị về Điều 5 của Hiệp ước NATO, trong đó bắt buộc 32 thành viên của liên minh này phải đồng loạt phản ứng nếu bất kỳ nước nào bị tấn công, được mở rộng để bao gồm cả Hawaii.

Trên chương trình truyền hình, Sidorov nói: "NATO bao gồm tất cả trừ một bang của Mỹ. Đó là bang cần chiếm. Đó là điều tôi luôn nói."

Học giả Nga gợi ý đánh thẳng "gót Achilles" của Mỹ: Điểm "kích nổ" thế chiến, NATO không thể cứu- Ảnh 1.

Andrey Sidorov - Trưởng khoa Chính trị Thế giới tại Đại học Quốc gia Moscow (Nga) - xuất hiện trong một chương trình truyền hình của đài Russia-1.

Đáng chú ý là Điều 5 của Hiệp ước NATO, yêu cầu các bên ký kết phải bảo vệ lẫn nhau nếu họ bị tấn công ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ, không áp dụng cho Hawaii vì nó nằm ở Thái Bình Dương. Điều này khiến Hawaii trở thành bang duy nhất của Mỹ có thể bị tấn công mà không được 31 quốc gia thành viên NATO khác đến trợ giúp.

Theo Newsweek, Sidorov đưa ra đề xuất của mình trong cuộc thảo luận về việc liệu Nga có cần một "vùng đệm" để bảo vệ nước này khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine hay không, sau một cuộc tấn công táo bạo vào mục tiêu ở vùng Tatarstan (Nga) cách biên giới với Ukraine hơn 1.000 km.

Trong cuộc thảo luận, Sidorov đề xuất "vùng đệm" nên kết thúc tại dãy núi Carpathian, trải dài khắp Trung và Đông Âu.

Theo Newsweek, người dẫn chương trình Solovyov có thể đã nói đùa khi đáp lời: "Thôi nào, ở Đại Tây Dương"; trước khi Sidorov đề nghị hành động nhằm vào một bang của Mỹ không thuộc NATO.

Trong một cuộc phỏng vấn với Newsweek, Alan Mendoza - người đứng đầu tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia xuyên Đại Tây Dương Henry Jackson Society có trụ sở tại London - cho rằng, liên minh phương Tây sẽ được củng cố bằng cách mở rộng Điều 5 để bao gồm Hawaii.

Ông nói: "Mặc dù NATO được thành lập như một hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, nhưng không bao gồm Hawaii, trước khi nó trở thành một phần không thể thiếu của nước Mỹ với tư cách là một trong 50 bang."

"Với việc mở rộng NATO sang các nền dân chủ anh em không giáp ranh trực tiếp với Bắc Đại Tây Dương nhưng vẫn kết nối với nó, ít nhất sẽ có ý nghĩa nếu xem xét ý tưởng mở rộng NATO để bao gồm Hawaii vào thời điểm nhu cầu thể hiện sự đoàn kết của liên minh ngày càng tăng", Mendoza nói.

John Hemmings - Giám đốc cấp cao của tổ chức tư vấn Pacific Forum có trụ sở tại Honolulu (Hawaii) - cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự trong một lần xuất hiện trên CBS News.

Hemmings nói: "Đây [Hawaii] là nơi xảy ra sự kiện Trân Châu Cảng. Đây là nơi chúng ta bị tấn công và đưa chúng ta vào Thế chiến thứ hai, và - nhân tiện - đây cũng là nguyên nhân khiến chúng ta phải giúp giải phóng nước Pháp."

"Đối với người Mỹ, có một mối liên hệ trực tiếp giữa bang này và sự tham gia của chúng ta vào Thế chiến thứ hai và cuối cùng là sự giúp đỡ của chúng ta trong việc góp phần vào chiến thắng trước phe Trục [Đức, Ý và Nhật]", Hemmings nói.

Theo Newsweek, vào tháng 2, Donald Trump - ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa - đã gây ra tranh cãi khi nói rằng ông sẽ "khuyến khích" Nga "làm bất cứ điều gì họ muốn" đối với các đồng minh NATO không đóng góp nhiều cho liên minh này.

Được biết, NATO khuyến nghị các thành viên của mình chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, mặc dù nhiều nước không làm như vậy và điều này là không bắt buộc đối với các thành viên liên minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại