Ngày 16-10, Reuters cho biết, 8 nước thành viên NATO cử tàu chiến tham gia cuộc tập trận phòng thủ tên lửa bắn đạn thật mang tên Formidable Shield (Tạm dịch: Lá chắn dữ dội) ở phía Tây Scotland. Theo tuyên bố của NATO, tổng cộng 14 tàu, 10 máy bay và 3.300 binh lính đã tham gia cuộc tập trận.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, các nước Canada, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ đã tham gia diễn tập phòng thủ đánh chặn 2 tên lửa tầm trung và 3 tên lửa hành trình chống tàu.
Tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ đã đánh chặn thành công tên lửa tầm trung bằng một tên lửa dẫn đường Standard Missile-3 Block IB. Trong khi đó, các tàu của Tây Ban Nha và Hà Lan diễn tập đối phó với các tên lửa hành trình chống tàu.
Các bên có kế hoạch tổ chức cuộc tập trận này thường kỳ 2 năm/lần với mục tiêu nhằm trấn an các đồng minh, cảnh báo kẻ địch và thể hiện cam kết của Mỹ đối với cơ chế phòng vệ tập thể của NATO.
Sáng kiến "Phòng thủ thông minh" do Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đề xuất và được thông qua vào năm 2012, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng gặp khó khăn do mọi thành viên NATO đều chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Sáng kiến bao gồm các dự án đa quốc gia nhằm "thiết lập mạng lưới an ninh khổng lồ hơn với ít nguồn lực hơn nhưng lại mang tính gắn kết và chặt chẽ hơn".
Cụ thể đó là việc xây dựng các lưới phòng thủ dựa trên công nghệ tình báo, giám sát, do thám (ISR) cũng như các hoạt động huấn luyện, hậu cần chung giữa các bên. Công nghệ ISR bao gồm các máy bay không người lái tối tân, hệ thống vận hành vệ tinh và giám sát chiến trường.
Nói một cách đơn giản thì NATO kỳ vọng "Phòng thủ thông minh" giúp liên minh quân sự này vẫn có thể "làm nhiều với túi tiền ít" thông qua việc huy động thế mạnh riêng của từng nước đã được tập trung chuyên môn hóa theo điều kiện thực tế.
Sáng kiến "Phòng thủ thông minh" là một trong hai nội dung chính được Hội nghị Thượng đỉnh NATO thông qua hồi tháng 5-2012 hướng tới việc sử dụng một cách hiệu quả nhất tiềm năng quốc phòng của các nước thành viên.
Ngoài "Phòng thủ thông minh", NATO đang triển khai sáng kiến "Liên kết lực lượng" (Connected forces Initiative) nhằm phối hợp tốt hơn trong huấn luyện và phối hợp triển khai giữa các lực lượng quốc gia của các nước thành viên NATO; tăng cường sự kết nối giữa Tổng tư lệnh NATO và Tổng tư lệnh quân đội các nước thành viên; thúc đẩy việc đơn giản hóa và hiệu quả hóa bộ máy chỉ huy của NATO và các nước thành viên.
Thông qua các sáng kiến "Phòng thủ thông minh" và "Liên kết lực lượng", NATO kỳ vọng tăng cường năng lực quốc phòng của khối tương xứng với tham vọng đóng vai trò duy trì an ninh toàn cầu.
Cuộc tập trận Formidable Shield nhằm triển khai sáng kiến "Phòng thủ thông minh" diễn ra trong bối cảnh vai trò và năng lực của NATO đang bị giới phân tích đặt nhiều nghi vấn.
Trong bài viết trên tờ Der Freitag của Đức, chuyên gia Jacob Ryman cho rằng, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, NATO đang đối mặt với "cuộc khủng hoảng bản sắc" nghiêm trọng bởi sau sự tan rã của khối Hiệp ước Warszawa, NATO đã biến thành "di sản của quá khứ".
"Với việc Liên Xô sụp đổ, khối Hiệp ước Warszawa bị giải thể, dưới góc nhìn quân sự và chiến lược, NATO cũng đã trở nên thừa thãi và đáng lẽ ra nên bị giải thể. Đó là lần duy nhất trong lịch sử chúng ta đã có một cơ hội cho việc giải trừ vũ khí toàn cầu, phi quân sự hóa toàn diện trên thế giới. Tuy nhiên, NATO đã chọn một con đường khác", chuyên gia Jacob Ryman viết.
Theo ông Jacob Ryman, NATO đã từ chối con đường "hòa bình" cho nhân loại, điều này được xác nhận bằng số liệu rõ ràng như việc NATO là nơi tập trung tới 60% chi phí quân sự trên thế giới.
Trong khi đó, viết trên tạp chí National Interest, bà Elisabeth Braw, nghiên cứu viên cấp cao không thường trú tại Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội NATO hiện đang bị hạn chế do ngày nay việc huấn luyện di chuyển của liên minh có vẻ gặp nhiều khó khăn.
Các cuộc tập trận ít thường xuyên hơn và chủ yếu vẫn chỉ có sự tham gia của cấp lữ đoàn (mỗi lữ đoàn có khoảng 5.000 binh lính).