Bất đồng giữa hai bờ Đại Tây Dương
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO năm nay lần đầu diễn ra theo hình thức trực tuyến. Cuộc họp ngày 2/4 của NATO bàn về 3 mục tiêu: tăng cường hợp tác với Georgia và Ukraine, mở rộng sứ mệnh tại Iraq và đặc biệt là đoàn kết chống đại dịch COVID-19.
"NATO sẽ cùng với Gruzia và Ukraine thực hiện các cuộc tập trận, cho phép các nước này tham gia vào nhiều chương trình giáo dục và huấn luyện của NATO, trao đổi dữ liệu để hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra trong không phận khu vực", Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 5/4, trang Avia-pro của Nga dẫn nguồn tin cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ cam kết tán thành ý tưởng kết nạp Gruzia và Ukraine trở thành thành viên chính thức của Liên minh quân sự NATO.
Tuy nhiên, cho đến nay nhiều quốc gia thành viên NATO tại châu Âu vẫn phản đối việc kết nạp Gruzia cùng với Ukraine, ít nhất cho đến khi nào hai nước này giải quyết xong các cuộc xung đột của mình.
Lý do chính dẫn đến sự phản đối trên là bởi nhiều nước châu Âu lo ngại rằng họ sẽ bị kéo vào cuộc chiến tranh trực tiếp với Nga trong trường hợp Điều 5 Hiến chương hoạt động của khối quân sự NATO được chính thức kích hoạt...
Tuy nhiên, nội dung chính của cuộc họp giữa các ngoại trưởng NATO là cùng nhau chống dịch COVID-19. Cuối tháng 3 vừa qua, NATO đã phải thông báo giảm quy mô các cuộc tập trận tại châu Âu để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Quân đội Mỹ cũng đã tuyên bố dừng việc chuyển quân nhân từ Mỹ tới châu Âu và cho hay nước này quyết định giảm quy mô cuộc tập trận "Người bảo vệ châu Âu 2020", vốn được coi là cuộc tập trận lớn nhất của NATO tại châu Âu kể từ cuộc Chiến tranh Lạnh.
Các ngoại trưởng NATO kêu gọi các nước cần phối hợp với nhau một cách toàn diện. Các máy bay của NATO đã chở một số lượng lớn thiết bị y tế cho Italy và Tây Ban Nha, nơi tình hình đang rất nghiêm trọng.
Ngoài ra, ông Stoltenberg cho biết các bệnh nhân từ Italy và Pháp được chuyển đến các bệnh viện Đức. Các thành viên NATO đã triển khai các bệnh viện dã chiến, tham gia vận chuyển bệnh nhân và khử trùng tại các tòa nhà công cộng và tham gia vào việc duy trì trật tự công cộng.
Nhân dịp này, các ngoại trưởng NATO đã giao cho tướng Tod Wolters của Mỹ nhiệm vụ nâng cao sự phối hợp giữa 30 quốc gia thành viên để những nguồn cung y tế được chuyển giao một cách nhanh chóng đến các nước có nhu cầu.
Các chuyến bay mang theo thiết bị hỗ trợ cuộc chống đại dịch hiện nay cũng sẽ sử dụng tín hiệu của NATO, qua đó được hưởng quyền ưu tiên trên không phận châu Âu.
Trên thực tế, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở châu Âu, NATO đã ở đâu và giúp được gì? Trong những năm gần đây, châu Âu đã nhiều lần thất vọng về Mỹ. Hai ví dụ điển hình nhất liên quan tới việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran.
Cuộc họp qua cầu truyền hình của ngoại trưởng các nước nhóm G7 cuối tháng 3 càng khiến công chúng cảm thấy cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã làm bộc lộ rõ hơn những bất đồng giữa Mỹ và các nước châu Âu. Hội nghị đã kết thúc mà không ra được thông cáo chung.
Trong cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một mình thúc đẩy việc sử dụng thuật ngữ "virus Vũ Hán" để đổ lỗi cho Trung Quốc. Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp, Jean-Yves Le Drian, nhấn mạnh là "cần chống lại mọi hành động biến cuộc khủng hoảng thành công cụ để thực hiện mục tiêu chính trị".
Trước đó, đầu tháng 3, Mỹ đã cho đóng cửa không phận đối với các chuyến bay từ 26 quốc gia khu vực Schengen, gây phản ứng bất bình từ EU. Thêm vào đó, chính quyền Mỹ đã không thể hiện tình đoàn kết tương thân tương ái cơ bản đối với các đối tác châu Âu khi các quốc gia này phải vất vả đối phó với đại dịch.
Nghiêm trọng hơn nữa, ông Trump đã tìm cách giữ độc quyền của nước Mỹ về các nghiên cứu do phòng thí nghiệm tư nhân CureVac của Đức thực hiện, liên quan đến việc phát triển vaccine phòng bệnh.
Chính phủ Đức đã phản đối động thái của Washington. Ủy ban châu Âu đã cung cấp khoản tín dụng 80 triệu euro để tài trợ cho công việc nghiên cứu của CureVac nên hành động của Mỹ không được chấp nhận. Rồi bản thân những thành viên NATO ở châu Âu cũng không giúp gì được cho nhau và mạnh ai nấy chống dịch.
Tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài khối
Chán nản vì không nhờ cậy gì được các đồng minh, một số thành viên NATO như Italy và Tây Ban Nha đã quay sang cầu cứu Nga và Trung Quốc viện trợ các thiết bị y tế và chuyên gia chống dịch. Chẳng hạn, Nga đã gửi sang Italy 9 chuyến bay, hơn 100 chuyên gia cùng với thiết bị y tế sau một cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Giuseppe Conte và Tổng thống Putin.
Ngoài 300 nhân viên y tế ở Italy, một phòng thí nghiệm để phát hiện SARS-CoV-2 ở Iraq, một triệu khẩu trang cho Pháp hoặc các bộ xét nghiệm cho Philippines, Trung Quốc còn tài trợ 20 triệu USD viện trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như cấp thêm ngân sách cho Liên hiệp châu Phi. Tuy nhiên, lúc này, NATO lại quay sang cất lời cảnh báo về lòng tốt của Nga và Trung Quốc.
Sputnik ngày 30/3 đưa tin, các nhà lập pháp EU đang phát động một chiến dịch không thiện cảm với nước Nga, khi cho rằng Moscow ấp ủ mưu đồ chính trị trong hỗ trợ Italy chống dịch COVID-19, dù không đưa ra chứng cứ lý giải cho cáo buộc này.