Cuộc tập trận bất thường của NATO
Các cuộc tập trận quân sự vẫn thường xuyên được tổ chức bởi các lực lượng vũ trang trên khắp thế giới.
Cuộc tập trận có thể được coi là động thái mang tính ngoại giao, một lời đe dọa trực tiếp, sự thể hiện năng lực quân sự để răn đe hoặc - trong trường hợp của NATO - thể hiện sự đoàn kết và thống nhất trước Nga, theo The Conversation.
Về mặt quân sự thuần túy, các cuộc tập trận cho phép lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia khác nhau cùng hợp tác hành động. Chúng hữu ích cho việc kiểm tra các kế hoạch triển khai, tăng cường và hậu cần. Các học thuyết và hệ thống vũ khí mới cũng có thể được thử nghiệm với điều kiện chiến đấu gần với thực tế nhất.
Khi cuộc tập trận Phản ứng Lạnh (Cold Response) 2022 của NATO diễn ra ở Na Uy, có vẻ như NATO đang chuẩn bị tăng cường quân lực ở châu Âu sau những động thái quân sự của Nga gần đây. Đây từng là một phần kế hoạch, nhưng không phải là mục đích chính khi các cuộc tập trận được lên kế hoạch vào năm ngoái.
Huấn luyện trong thời tiết lạnh là rất quan trọng đối với các lực lượng quân sự, và Na Uy thường được NATO sử dụng cho các hoạt động này. Phản ứng lạnh 2022 là phần tiếp theo của các cuộc tập trận định kỳ 6 tháng được tổ chức tại Na Uy kể từ năm 2006.
Cuộc tập trận được công bố vào tháng 6/2021 và thông báo cho người Nga vào tháng 1/2022, trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự vào tháng 2.
Cả NATO và Nga - hay trước đây là Liên Xô và các nước thuộc Hiệp ước Warsaw - đều thông báo chính xác cho nhau về các cuộc tập trận lớn để tránh bị coi là mối đe dọa.
Nước chủ nhà được yêu cầu thông báo về bất kỳ cuộc tập trận nào có sự tham gia của hơn 13.000 quân nhân hoặc 300 xe tăng chiến đấu.
Kể từ năm 1990, theo Văn kiện Vienna của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), các cuộc tập trận phải được các quốc gia chủ nhà thông báo cho các quốc gia thành viên OSCE trước 42 ngày nếu vượt quá 9.000 người tham gia.
Các quan sát viên từ các nước thành viên OSCE được mời đến xem các cuộc tập trận để duy trì tính minh bạch và giảm khả năng xảy ra sai sót.
Việc hủy bỏ một cuộc tập trận như vậy sẽ được coi là bất thường - nó sẽ phá vỡ chu kỳ và cho thấy sự thay đổi trong hoạt động của NATO.
NATO sẵn sàng "chơi lớn"?
NATO khẳng định cuộc tập trận không phải là một phản ứng đối với chiến dịch quân sự của Nga gần đây. Nhưng việc sử dụng các cuộc tập trận để chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự không phải là điều mới mẻ.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các cuộc tập trận của NATO được tổ chức thường xuyên để kiểm tra tốc độ mà quân tiếp viện có thể được chuyển đến lục địa từ Bắc Mỹ và Anh.
Có thể kể đến cuộc diễn tập REFORGER, với các thiết bị quân sự được đặt ở châu Âu, sẵn sàng cho các quân nhân đến và chuẩn bị cho chiến tranh.
Vào năm 2020, Lực lượng Phòng vệ Tập trận đã được Mỹ thiết lập cho một mục đích tương tự, với sự tham gia của NATO.
Kể từ năm 2014, Mỹ đã duy trì một lữ đoàn thiết giáp chiến đấu và một lữ đoàn hàng không chiến đấu ở châu Âu. Cùng với đó, có một cuộc tập trận khác hiện đang diễn ra ở Lithuania - Rising Griffin – bên cạnh nhiều cuộc tập trận khác của NATO sắp diễn ra.
Vấn đề với việc củng cố sức mạnh châu Âu từ Anh và Bắc Mỹ là eo biển Đại Tây Dương và eo biển Anh.
Các tuyến đường biển và đường hàng không dễ bị tàu ngầm và máy bay của đối phương can thiệp (Nga có khả năng này). Một động thái ngăn cản bước tiến của quân đội NATO sẽ làm trì hoãn bất kỳ sự tiếp viện nào và dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về nhân mạng.
Nếu các nhà lãnh đạo NATO đồng ý giữ quân đội ở châu Âu sau cuộc tập trận thì đây sẽ là một thông điệp rõ ràng tới Nga sau những căng thẳng gần đây.
Tương tự như việc phương Tây lo ngại về cuộc tập trận Zapad-21, các hành động của NATO - và chắc chắn là các cuộc tập trận - sẽ được truyền thông Nga sử dụng như một bằng chứng cho thấy ý định hiếu chiến của liên minh.
Cáo buộc như vậy có thể đồng nghĩa với việc NATO cũng không có gì để che giấu và sẽ nỗ lực đạt được mục tiêu bằng cách giữ lại một số binh sĩ ở châu Âu, hoặc ít nhất là tăng mức độ sẵn sàng cao hơn nếu cần.