Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành đợt trừng phạt đầu tiên chống lại Tehran vào ngày 7/8 vừa qua, với mức độ khắc nghiệt mà ông mô tả là chưa từng có. "Bất cứ ai làm ăn với Iran thì sẽ không có chuyện quan hệ thương mại với Mỹ", ông Trump nhấn mạnh trong một bài đăng trên Twitter ngay sau đó.
Một đợt trừng phạt thứ hai thậm chí được cho là còn tồi tệ hơn với Iran dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 11. Tuy nhiên, áp lực kinh tế không phải là công cụ duy nhất mà Mỹ và các đồng minh đang sử dụng để chống lại quốc gia Trung Đông.
Trong những tháng gần đây, chính quyền Trump đang âm thầm thúc đẩy một liên minh an ninh mới, với 6 thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng vịnh (GCC) – Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain, Kuwait, Qatar và Oman – cũng như Ai Cập và Jordan, để chống lại những gì mà các nước này cho là sự mở rộng của Iran trong khu vực.
Được biết đến với tên gọi Liên minh Chiến lược Trung Đông (MESA) – hay “NATO Ả Rập”, theo cách gọi của truyền thông - các quan chức Mỹ và Ả Rập mô tả liên minh này đang được lên kế hoạch cho mục đích hợp tác chống khủng bố, xây dựng mạng lưới phòng thủ tên lửa và huấn luyện quân sự, để giải quyết những thách thức an ninh đặt ra bởi Iran và các lực lượng mà nước này hậu thuẫn.
Tuy nhiên, theo Maysam Behravesh, học giả từ trung tâm Nghiên cứu chính sách Trung Đông, đại học Lund, Thụy Điển - mô hình NATO Ả Rập là một cấu trúc còn nhiều thiếu sót và ít có cơ hội thành công.
Không giống như các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), được thành lập trên cơ sở các lợi ích chung và "văn hóa chiến lược" trước thách thức đến từ Liên Xô, các nước Sunni tham gia vào liên minh mới không đồng ý về các quan điểm cơ bản, bao gồm câu hỏi quan trọng về cách tiếp cận với Iran.
Trong khi Saudi Arabia và UAE coi Tehran là kẻ thù lớn nhất của mình và đang chiến đấu chống lại phong trào Houthi ở Yemen, Kuwait và đặc biệt là Oman lại có lịch sử hợp tác chặt chẽ và hòa bình với Iran.
Trong khi Muscat đã nỗ lực kết nối cuộc đàm phán giữa các quan chức Iran và Mỹ để tiến tới thỏa thuận hạt nhân lịch sử, Saudi Arabia, UAE và Bahrain chưa bao giờ ủng hộ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được đưa ra vào năm 2015.
Một trở ngại lớn hơn nữa đối với sự hình thành và hoạt động hiệu quả của “NATO Ả Rập” là làn sóng gây áp lực với Qatar của UAE, Saudi và Bahrain.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh bắt đầu vào tháng 6/2017, khi Riyadh, Abu Dhabi và Manama quyết định tẩy chay người hàng xóm nhỏ bé của mình, cắt giảm thương mại và quan hệ ngoại giao với Doha, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố và có quan hệ với Iran.
Đáng chú ý, Qatar là nơi có căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ trong khu vực, trong khi Saudi Arabia lại là nước mua vũ khí lớn nhất thế giới của Mỹ. Do đó, cuộc khủng hoảng đã đưa Washinton vào một vị trí khó xử với hai đối tác quan trọng nhất ở Trung Đông.
Chính thức được biết đến lần đầu tiên bởi Tổng thống Trump trong chuyến đi năm 2017 tới Riyadh, ý tưởng về một NATO Ả Rập dường như là một nỗ lực thực sự mà Mỹ đang hướng tới.
Nói cách khác, bằng cách theo đuổi chính sách đối ngoại "nước Mỹ trên hết", chính quyền Trump đang cố gắng chuyển trách nhiệm về vấn đề xử lý Iran vào tay các đồng minh Ả Rập.
Chính quyền dường như có ý định sử dụng kế hoạch trên như một chất xúc tác cho việc bán vũ khí sinh lời cho những quốc gia này. Cần nhớ rằng, sau khi Tổng thống Trump đến thăm Riyadh năm ngoái, ông và quốc vương Saudi đã ký một số thỏa thuận vũ khí trị giá khoảng 110 tỷ USD, có hiệu lực ngay lập tức, cộng thêm thỏa thuận 350 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Tuy nhiên, điều mà Mỹ muốn hướng tới là chuyển giao trách nhiệm đối đầu Iran sang tay các đồng minh trên thực tế cũng là nhu cầu ngược lại của các quốc gia Ả Rập.
Vì nhiều lý do, các quốc gia Ả Rập không muốn hành động hoặc không thể tham gia trực tiếp trong cuộc đối đầu với Iran. Họ hy vọng sẽ thuyết phục Mỹ và thậm chí cả Israel sẽ gánh vác phần nặng nhất đối với công việc này.
Một nhà phân tích cho rằng, Saudi Arabia tìm cách chống lại Iran bằng cách “dụ” người Mỹ tiến vào một cuộc xung đột với quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên, điều này không có lợi cho sự ra mắt thành công của “NATO Ả Rập” - đặc biệt khi kế hoạch này đang được thảo luận cùng thời điểm ông Trump đã đe dọa phá vỡ NATO nếu các đồng minh không gia tăng chi tiêu quân sự.
Cuối cùng, câu hỏi được đặt ra là một tổ chức như vậy sẽ đối đầu với Iran như thế nào trong thực tế. Một liên minh thành công theo như quan điểm Israel đã nhấn mạnh gần đây, đó là ngăn chặn Tehran thiết lập một sự hiện diện quân sự lâu dài ở Syria cũng như đánh bại phiến quân Houthi ở Yemen, thiết lập một lá chắn phòng thủ tên lửa bao phủ vùng Trung Đông rộng lớn.
Tuy nhiên, trừ khi các cuộc bất đồng giữa các thành viên trong liên minh được giải quyết và họ đồng thuận chia sẻ với nhau về những gánh nặng nội tại, kế hoạch của chính quyền Trump về việc cho ra đời một “NATO Ả Rập” mới có cơ hội trở thành sự thật.