NATO Ả Rập - liên minh chống Iran, kiềm chế Nga, Trung Quốc của Mỹ vừa sinh ra đã chết

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Ai Cập đã từ chối tham gia vào sáng kiến ​​chính trị, quân sự chung của Mỹ và Vương quốc Ả Rập Saudi nhằm thành lập Liên minh chiến lược Trung Đông (MESA), còn gọi là NATO Ả Rập.

Ai Cập đã thông báo cho Mỹ và các thành viên của liên minh này trước cuộc họp cấp Bộ trưởng được tổ chức tại Riyadh ngày 7/4/2019 để thảo luận vấn đề thành lập một "NATO Ả Rập". Cairo đã không cử đoàn đến dự cuộc họp này.

Mục tiêu chống Iran, kiềm chế Nga, Trung Quốc

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump, đang theo đuổi kế hoạch thiết lập một Liên minh an ninh mới với các nước Ả Rập nhằm chống lại ảnh hưởng của Iran. Liên minh này dự kiến sẽ tập hợp tất cả các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Saudi và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cộng thêm Ai Cập, Jordan dưới sự lãnh đạo của Mỹ.

Kế hoạch thành lập Liên minh quân sự Trung Đông lần đầu tiên được Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ra tại Riyadh trong chuyến thăm Ả Rập Saudi tháng 5/2017. Ông D. Trump cho rằng, Mỹ đã chi phí quá nhiều tiền và quá lâu cho an ninh của các đồng minh ở Trung Đông - bây giờ là lúc để họ tự bảo vệ lấy mình.

Liên minh này, theo kế hoạch sẽ được thành lập lấy tên là "Liên minh chiến lược Trung Đông-Middle East Strategic Alliance (MESA)", hay còn được gọi là "NATO Ả Rập".

Thành lập Liên minh này, Washington đặt ưu tiên hàng đầu là chống lại ảnh hưởng của Iran ngày càng gia tăng và sau đó là kiềm chế ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở khu vực Trung Đông

Ý tưởng này được đúc kết và phát triển trên cơ sở thoả thuận của Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập (AL) họp ở Cairo năm 2015 về việc thành lập một lực lượng chung của các nước Ả Rập. Ai Cập và Ả Rập Saudi, hai nước có sức mạnh quân sự và ảnh hưởng chính trị lớn nhất sẽ đóng vai trò trụ cột chính của Liên minh. Tuyên bố Riyadh coi việc thành lập liên minh này là một đóng góp cho hòa bình và an ninh trong khu vực và thế giới.

MESA không chỉ là nơi tiến hành các cuộc tham vấn chung, mà còn là cơ sở để thiết lập các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa ở khu vực, tổ chức các cuộc tập trận quân sự và hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống khủng bố. Mục tiêu cuối cùng là ký kết một Hiệp ước an ninh tập thể và thành lập một quân đội chung. Thành lập một liên minh như vậy sẽ góp phần thực hiện ý tưởng của D. Trump về việc giảm dần sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Trung Đông.

Liên minh "chết yểu"

Từ đó đến nay, chính quyền Mỹ đã rất tích cực gặp gỡ vận động các nước, trước hết là những nước có tiềm năng lớn tham gia. Một trong những nước này là Ai Cập. Ngày 9/4/2019, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi đã gặp người đồng cấp D. Trump tại nhà Trắng. Trong cuộc gặp này, ông D. Trump đã ca ngợi những "cố gắng quan trọng" của Ai Cập trong cuộc chiến chống khủng bố và rất mong Ai Cập tham gia Liên minh MESA. Tuy nhiên, chính trong cuộc gặp này, ông A. Al-Sisi đã thông báo cho Tổng thống D. Trump rằng Ai Cập sẽ không tham gia "NATO Ả Rập".

Ngay từ đầu, các nhà lãnh đạo quân đội Ai Cập đã bảo lưu việc gia nhập MESA vì tham gia Liên minh này là trái với đường lối chiến lược của Ai Cập vốn không coi Iran như một mối đe dọa trực tiếp.

Mặt khác, tình hình kinh tế Ai Cập đang gặp nhiều khó khăn, Cairo không có khả năng đóng góp 2% tổng thu nhập quốc nội GDP cho ngân sách Liên minh theo yêu cầu mà chưa nhìn thấy lợi ích gì.

Mặt khác, một số thông tin từ Cairo cho biết Ai cập còn lo ngại rằng Liên minh sẽ không thể tiếp tục tồn tại trong trường hợp Tổng thống Mỹ D. Trump không được bầu lại nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2020. Người kế nhiệm có thể huỷ bỏ kế hoạch này như ông D. Trump đã từng làm khi rút khỏi Thoả thuận hạt nhân Iran (JCPOA).

Quan hệ giữa Washington và Cairo gần đây không được ‘thuận buồm xuôi gió" khi Ai Cập xích lại gần Nga hơn, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Theo các nguồn tin từ Moskva, Ai Cập đã ký một hợp đồng mua máy bay chiến đấu SU-35 và nhiều loại vũ khí khác. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Ai Cập nếu Ai Cập không huỷ hợp đồng này.

Sau khi Ai Cập rút, "Liên minh chiến lược Trung Đông" có rất ít cơ hội thành công.

Quan hệ hợp tác chiến lược song phương truyền thống giữa Washington và Riyadh đã bị tổn thương nặng hồi tháng 10 năm ngoái sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, người đã viết nhiều bài chỉ trích chế độ quân chủ Ả Rập Saudi. Có nhiều bằng chứng cho thấy Thái tử M. B. Salman đứng sau vụ sát hại này. Quốc hội Mỹ đã kêu gọi Washington lên án vụ giết người và có các biện pháp trừng phạt Ả Rập Saudi.

Kế hoạch thành lập một "NATO Ả Rập" rất khó có cơ hội trở thành hiện thực nếu không muốn nói là sẽ thất bại. Mục đích chính của MESA là chống Iran, nhưng trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) chỉ có Ả Rập Saudi, UAE và Bahrain coi Iran là mối đe doạ chính, còn ba nước thành viên còn lại của GCC gồm Kuwait, Qatar và Oman lại có quan hệ tốt với Tehran, chưa kể Ai Cập và Jordan không tin Iran là mối đe dọa lớn nhất của họ. Mặt khác, trong tình hình cuộc khủng hoảng vùng Vịnh chưa được giải quyết, bốn quốc gia Ả Rập vẫn áp đặt các biện pháp phong tỏa và cô lập Qatar thì làm sao có thể tập hợp được các nước này trong một liên minh quân sự khu vực.

NATO Ả Rập - liên minh chống Iran, kiềm chế Nga, Trung Quốc của Mỹ vừa sinh ra đã chết - Ảnh 3.

Các nhà quan sát chính trị cho rằng Ai Cập và Jordan tập trung ưu tiên đối ngoại của mình vào cuộc xung đột giữa các nước Ả Rập và Israel chứ không phải an ninh vùng Vịnh và chống lại ảnh hưởng của Iran.

Theo tính toán sơ bộ của các chuyên gia quân sự Ả Rập, Liên minh MESA nếu được thành lập sẽ cần ít nhất khoảng 300 ngàn quân, 5.000 xe tăng, 1.000 máy bay chiến đấu, chưa kể các loại vũ khí và trang thiết bị quân sự khác. Chi tiêu quốc phòng hàng năm của Liên minh này sẽ không dưới 100 tỷ USD. Số tiền này sẽ lấy ở đâu nếu không phải từ các khoản đóng góp của các nước thành viên tham gia?

Trong tình hình hiện nay việc huy động được số tiền lớn này đã hết sức khó khăn, chưa kể đến việc phân bổ cho các nước thành viên như thế nào là một việc làm bất khả thi. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng còn đang gặp khó khăn về tài chính và tranh cãi nhau về tỷ lệ đóng góp thì "NATO Ả Rập" càng khó khăn hơn, đặc biệt các nước Ả Rập đang chia rẽ nghiêm trọng trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế.

Hiện vẫn chưa rõ Israel sẽ phản ứng thế nào trước sự xuất hiện của một liên minh quân sự như vậy ở Trung Đông. Nhưng một điều rõ ràng là liên minh này nếu được thành lập sẽ có lợi cho Tel Aviv, vì tại khu vực sẽ có một tập hợp lực lượng mới chống Iran, kẻ thù chính của Israel. Tuy nhiên, liên minh này cũng có thể là mối đe dọa đối với Israel do nhiều nước Ả Rập vẫn coi Israel là một quốc gia thù địch, Israel vẫn chiếm đóng các lãnh thổ Ả Rập và cùng với Mỹ thi hành chính sách nhằm xoá bỏ vấn đề Palestine.

Vấn đề không chỉ là một số quốc gia Trung Đông không coi Iran là mối đe dọa lớn nhất. Trở ngại lớn hơn là Trump đang chủ trương giảm bớt sự có mặt về quân sự tại khu vực, đang có kế hoạch rút quân khỏi Syria, Afghanistan...chuyển hầu hết các nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các nước khu vực. Washington chỉ muốn đóng vai trò là một nhà cung cấp vũ khí.

Bà Kristina Lin, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu xung đột thuộc Đại học California nói: "Ý tưởng của D. Trump về một NATO Ả Rập để đối đầu với Iran sẽ làm gia tăng sự bất ổn và hỗn loạn ở Trung Đông. Việc thành lập Liên minh này sẽ đem lại lợi ích đầu tiên cho các tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ. Doanh số bán vũ khí cho các nước thuộc liên minh sẽ tăng gấp đôi."

Trong tình hình hiện nay, việc xây dựng một liên minh quân sự đa quốc gia nói chung là một nhiệm vụ không dễ dàng chút nào, chứ chưa nói đến liên minh giữa các nước Ả Rập vốn có nhiều mâu thuẫn. Năm 2015, Liên minh quân sự Hồi giáo để chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố thành lập, nhưng vẫn chỉ nằm trên giấy.

Đến nay, cuộc họp thành lập đầu tiên của lãnh đạo của các quốc gia dự kiến là thành viên của MESA vẫn chưa tổ chức được và ​​đã bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần và cũng không biết Hội nghị này bao giờ mới họp được. Tương lai của sáng kiến ​​này có vẻ rất mơ hồ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại