Những gì đã xảy ra ở Algeria và Sudan cũng như vẫn đang tiếp tục diễn ra ở Maroc và Jordan khiến thế giới liên tưởng ngay đến cái gọi là Mùa Xuân Ả Rập hồi năm 2011. Nhiều người đã nghĩ ngay đến và sử dụng ngay đến khái niệm "Mùa Xuân Ả Rập 2.0". Như thế không hẳn hoàn toàn sai, nhưng chắc chắn không thể hoàn toàn đúng.
Mùa Xuân Ả Rập 1.0
Nhìn vào những biểu hiện ra bên ngoài ở Tunisia, Ai cập, Yemen, Syria và Libya ở thời điểm từ năm 2011 thì ở Algeria và Sudan hiện rất giống nhau.
Cũng vì làn sóng biểu tình phản đối của người dân mà các vị tổng thống cầm quyền suốt mất thập kỷ liền bị phế truất. Cũng vì những vấn đề chính trị xã hội nội bộ mà đất nước bùng phát chính biến. Cũng từ sự bất bình với thành quả cầm quyền của chính phủ mà sự phẫn nộ của những người biểu tình phản đối chuyển từ nhằm vào chính phủ sang nhằm trực diện vào người đứng đầu nhà nước.
Những thể chế nhà nước tồn tại dai dẳng suốt nhiều thập kỷ đã nhanh chóng bị làn sóng chính biến cuốn phăng đi và chế độ độc tài tan vỡ. Chính thể mới thay thế có mới thật sự hay chỉ là "bình mới đựng rượu cũ" là chuyện khác. Điều có thể chắc chắn được là chế độ độc tài kia không lặp lại.
Libya, Yemen và Syria chưa đi qua hết chặng đường chính biến. Ai Cập có sự trở lại cầm quyền của giới quân sự dưới vỏ bọc của nền dân chủ. Tunisia được coi là thành công hơn cả với quá trình dân chủ hoá mà quá trình này vẫn chưa thật sự bền vững đến mức không còn có thể bị đảo ngược.
"Mùa Xuân Ả Rập 1.0" đưa lại những kết cục khác nhau ở các nơi khác nhau. Nhưng cái chung ở đó là chẳng có kết cục nào khiến người dân hài lòng và chẳng có nơi nào được yên bình, có ổn định chính trị và an ninh xã hội, có hài hoà và phát triển trong đất nước. Ở đâu thì cái giá phải trả đều rất đắt và việc trả giá vẫn chưa kết thúc.
Mùa Xuân Ả Rập giải quyết được vấn đề này cho người dân thì lại gây ra vấn đề khác cho dân chúng và đất nước. Ở tất cả những nơi ấy, tiếng là mùa xuân đã về nhưng thật sự lại chưa thấy cỏ cây đâm chồi nẩy lộc, càng chưa thấy có được đơm hoa kết trái.
Mùa xuân ấy không lặp lại
Bây giờ ở Algeria hay Sudan cũng như tới đây có thể ở cả Maroc hay Jordan, diễn biến thì tương tự nhưng cục diện và bản chất lại khác.
Ở Algeria và Sudan vẫn là đại diện cho chính thể cũ (ở Ai Cập) hay giới quân sự (ở Sudan) lên nắm quyền sau khi tổng thống bị tước bỏ quyền lực nhà nước. Nhưng điều khác với trước là cả phía chính quyền mới lẫn phía dân chúng đều đã rút ra được những bài học xương máu từ Mùa Xuân Ả Rập 2011.
Một bên nhận thức được rằng muốn tránh những kịch bản như đã xảy ra ở Ai Cập, Syria, Libya hay Yemen và Tunisia thì không thể bất chấp làn sóng biểu tình phản đối cũng như không thể dễ dàng có thể "mị dân" bằng những biện pháp chính sách nhất thời nào đấy mà phải tìm cách thức thích hợp xoa dịu ngay mức độ quyết liệt của làn sóng đấu tranh phản đối để kéo dài thời gian ứng phó.
Suy tính của phe này là càng có thêm được thời gian thì càng dễ ứng phó và đối phó bởi mức độ phản đối sẽ suy giảm dần. Một phía thấm thía rằng nếu không kiên định quyết tâm đấu tranh thì kết quả sẽ chỉ là chính thể cũ với diện mạo và nhân sự mới chứ không có thay đổi thật sự và chuyển biến thực chất. Sự khác biệt trên phương diện này giữa 2011 và 2019 là ở chỗ đó.
Tám năm là khoảng thời gian không ngắn đối với cuộc đời của con người nhưng lại chỉ là một phần trong cái chớp mắt của lịch sử.
Dẫu giống nhau như thế nào và khác nhau đến mấy giữa 2011 và 2019 thì cũng đều là bằng chứng và biểu hiện về sự thay thời đổi thế ở khu vực Trung Đông, vùng Vịnh và châu Phi. Quá trình này còn kéo dài và còn đưa lại những diễn biến bất ngờ mới được gắn cùng khái niệm "Mùa Xuân". Chỉ có điều là không ai dám chắc sau mùa ấy sẽ là mùa gì.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại