Sử dụng công nghệ trong nước
Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ điện năng lớn nhất thế giới, từng được các tập đoàn phát triển điện hạt nhân lớn trên thế giới "nhòm ngó", nhất là khi Bắc Kinh đã bày tỏ ý định xây dựng các nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ đến từ Pháp, Mỹ, Nga và Canada.
Tuy nhiên, sau nhiều năm trì hoãn, đến thời điểm này, những mẫu thiết kế đến từ nước ngoài như AP1000 của tập đoàn Westinghouse (Mỹ), hay lò phản ứng nước áp lực thế hệ thứ 3 (EPR) của Pháp có vẻ như đang thất thế trước những công nghệ do chính Bắc Kinh tự phát triển.
Vào năm 2006, Trung Quốc đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với Mỹ nhằm đưa mẫu thiết kế AP1000 trở thành trọng tâm trong chương trình phát triển năng lượng hạt nhân của nước này. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng cam kết sẽ sử dụng các công nghệ tiên tiến thế hệ thứ 3 như nỗ lực thúc đẩy an toàn sau thảm hoạt hạt nhân xảy ra tại nhà máy điện Fukushima Daiichi vào năm 2011 ở Nhật Bản.
Vào thời điểm các công nghệ AP1000 và EPR lần đầu được giới thiệu ở Trung Quốc vào năm ngoái, các mẫu thiết kế trong nước cũng dần trở thành phương án khả thi.
Theo đó, Bắc Kinh đã quyết định sẽ sử dụng mẫu Hualong One thay vì AP1000 cho dự án hạt nhân đầu tiên của nước này trong 3 năm tới, dự kiến sẽ bắt đầu xây dựng vào cuối năm nay ở thành phố Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến.
"Những vấn đề với AP1000 - như thay đổi thiết kế, vấn đề về hậu cần, tiến độ triển khai, đã khiến Trung Quốc đẩy nhanh việc phát triển Hualong One," Li Ning, chuyên gia nghiên cứu về hạt nhân tại trường Đại học Hạ Môn.
Li Ning cho rằng thủ tục cấp giấy phép tại Trung Quốc cũng là lợi thế thúc đẩy phát triển công nghệ trong nước. "Hiện Trung Quốc đang thi công 4 lò phản ứng sử dụng công nghệ Hualong One, và một trong số đó đã gần hoàn thành. Đây là thiết kế phát triển trong nước và do đó sẽ dễ dàng để các lò phản ứng tiếp theo được cấp phép".
Tập đoàn điện lực Pháp EDF, đơn vị hỗ trợ Trung Quốc xây dựng dự án EPR tại thành phố Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông, và Westinghouse, hiện đã được tổ chức Quản lý Tài sản Brookfield (Canada) mua lại sau quá trình tái cấu trúc do phá sản, đều từ chối đưa ra nhận định.
Tuy nhiên, đến thời điểm này Trung Quốc vẫn chưa hoàn thiện lò phản ứng mang công nghệ Hualong One.
Tham vọng quốc tế
Tham vọng của Trung Quốc đối với Hualong One không dừng lại ở thị trường trong nước. Hiện tại, dự án điện hạt nhân đầu tiên sử dụng lò phản ứng phát triển trên công nghệ này đang được xây dựng ở Pakistan, trong khi một số dự án tương tự tại Argentina và Anh cũng đang cân nhắc sử dụng Hualong One.
"Hualong One là giải pháp mang tính cạnh tranh khi so với các công nghệ đến từ Mỹ, Pháp hay Nga", Li Xiaoming, trợ lý Tổng giám đốc công ty Hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) cho biết.
"Đây là cơ sở để giúp chúng tôi cạnh tranh được trong môi trường quốc tế," Li nhận định.
Theo Huang Feng, thành viên Hiệp hội Hạt nhân Trung Quốc cho biết nước này hiện đang phát triển 4 lò phản ứng với công nghệ Hualong One, với lò phản ứng đầu tiên tại tỉnh Phúc Kiến dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2020.
"Trung Quốc hiện là một trong số ít các quốc gia đã làm chủ công nghệ hạt nhân thế hệ thứ 3, không những vậy, chúng tôi có đủ điều kiện và lợi thế cạnh tranh để đưa vào sản xuất quy mô lớn," Huang khẳng định.
Ở thời điểm Bắc Kinh đang chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch mỗi năm đưa 8 lò phản ứng hạt nhân đi vào hoạt động hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng sạch và giảm khí thải vào năm 2030, tiến độ thi công các lò phản ứng sẽ là một yếu tố quan trọng.
Huang cho biết thêm chi phí ước tính cho Hualong One và AP1000 là tương đương, và sự khác biệt sẽ chủ yếu nằm ở việc triển khai sản xuất quy mô lớn nhằm cắt giảm chi phí, qua đó tăng tính cạnh tranh cho công nghệ hạt nhân Trung Quốc không chỉ cạnh tranh được với công nghệ nước ngoài, mà còn cả với nguồn năng lượng than.