Tạp chí National Interest đưa tin, một bản nháp báo cáo của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung có một chương nói về sự phát triển về quân sự của Trung Quốc và cảnh báo rằng một khi được hoàn thiện, những loại vũ khí này có thể khiến tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông trở nên phức tạp hơn trước.
"Trung Quốc đang xây dựng các loại vũ khí mới, bao gồm các loại máy bay, tàu chiến và tàu ngầm chuyên hoạt động xa bờ", báo cáo này viết.
Những loại khí tài này "sẽ mở rộng và nâng cao khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự của quân đội Trung Quốc, trong đó bao gồm hoạt động chi viện quân, đổ bộ đảo biển, hỗ trợ cứu nạn thiên tai, chiến dịch sơ tán và các chiến dịch gìn giữ hòa bình".
Báo cáo này cũng nói thêm rằng, việc sức mạnh quân sự của Trung Quốc tăng lên "cũng củng cố khả năng chiến đấu của nước này so với các nước nhỏ lân cận".
"Với việc Trung Quốc có thể triển khai lực lượng đặc nhiệu, tàu chiến và máy bay được hiện đại và có thêm kinh nghiệm hoạt động quân sự ở nước ngoài, Trung Quốc sẽ có thể phụ thuộc vào các biện pháp vũ lực để bảo vệ lợi ích của mình", báo cáo viết.
Một số loại khí tài mới của Trung Quốc được nêu ra gồm có 6 tàu đổ bộ cỡ lớn cùng một lớp tàu chiến mới, tàu sân bay và các loại tàu mang tên lửa định hưởng để hộ tống khi hoạt động tại các vùng biển cách xa lãnh thổ Trung Quốc.
Hải quân Trung Quốc cũng có thêm ba loại tàu ngầm hiện đại mới, cả ba tàu này mới đây đã được triển khai đến Ấn Độ Dương đễ hỗ trợ các hoạt động chống cướp biển trên vịnh Aden. Ngoài ra, lực lượng này cũng sẽ có thêm 2 tàu Type-093 mới trước năm 2020, qua đó biến nước này trở thành quốc gia có lực lượng tàu ngầm mạnh thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Nga.
Trung Quốc cũng bắt đầu chế tạo thêm các loại máy bay quân sự mới, trong đó bao gồm phi cơ vận chuyển cỡ lớn Y-20 cùng một phiên bản máy bay An-225 của Nga, hiện là máy bay vận tải lớn nhất trên thế giới. Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn bắt tay đóng các tàu tiếp nhiên liệu, dự kiến 10 tàu sẽ được đưa vào sử dụng trước năm 2020.
Các căn cứ quân sự của Trung Quốc tại nước ngoài cũng sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Trung Quốc hiện có một căn cứ mới tại Djibouti, thuộc khu vực Sừng Châu Phi. Các cảng dân sự do Trung Quốc xây dựng tại Sri Lanka và Pakistan cũng sẽ cho phép Hải quân Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực.
Để theo dõi những hiểm họa đối với các lực lượng hoạt động xa lãnh thổ và cung cấp thông tin tình báo cần thiết, Trung Quốc cũng đang phát triển mạng lưới do thám toàn cầu, bao gồm các máy bay không người lái tầm xa, hệ thống cảm biến ngoài vũ trụ, rađa cận bờ và tàu do thám.
Báo cáo của Ủy ban dự đoán rằng việc Trung Quốc triển khai quân cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trên thế giới sẽ khiến quân đội nước này càng có thêm kinh nghiệm chiến đấu ở nước ngoài và đảm bảo an ninh trong nước.
Mặc dù có trong tay ngày càng nhiều khí tài quân sự hoạt động xa bờ, trong tương lai gần Trung Quốc vẫn chuẩn bị để đề phòng xung đột với Đài Loan xảy ra, hoặc căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông leo thang.
Báo cáo nói rằng Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Mỹ phải đầu tư hơn nữa để tìm hiểu khả năng của quân đội Trung Quốc, đồng thời Hải quân Mỹ và lực lượng Thủy quân Lục chiến của nước này cũng phải tiến hành nhiều cuộc tập trận chung với các nước đồng mình trong khu vực.
Ngoài ra, báo cáo cũng khuyên Lầu Năm Góc bắt đầu phát triển "những biện pháp nhằm cản trở hoạt động hậu cần của Trung Quốc trong thời bình", nhằm suy giảm "khả năng hỗ trợ cho các chiến dịch quân sự có thể xảy ra trong tương lai".
Sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc cũng sẽ nảy sinh khả năng đối đầu trên biển giữa nước này và Mỹ. Báo cáo cũng bao gồm một loạt những hành động gây hấn đối với tàu quân sự Mỹ của Trung Quốc từ năm 2001 cho đến nay.
Trong khi đó, các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng trái phép ở Biển Đông sẽ cho phép Bắc Kinh "tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực".