Từ khi đợt gió mùa ở châu Á bắt đầu ngày 1/6, mưa lớn đã đổ bộ Trung Quốc, đẩy mực nước ở các sông hồ lên ngưỡng kỉ lục. Đặc biệt, lụt lội ở hạ lưu sông Dương Tử đã khiến hàng nghìn người mất nhà cửa.
Sông Dương Tử là sông dài nhất của châu Á, trải dài 6.300km xuyên suốt Trung Quốc.
Cùng với hệ thống phụ lưu và hồ, hệ thống sông đã có nhiều thay đổi khi Trung Quốc xây dựng nhiều công trình nhằm khai thác thủy điện, trữ nước để sử dụng, tưới tiêu và kiểm soát lũ lụt. Hiện tại, có hàng chục nghìn hồ chứa nước và vô số con đập ở dọc sông Dương Tử.
Trong mùa hè năm nay, nước lũ đã được giữ lại bởi 2.297 hồ chứa trong vùng, bao gồm hồ chứa sau đập Tam Hiệp. Trong nỗ lực điều tiết dòng chảy của nước lũ, đơn vị vận hành đập có thể xả lũ thông qua các cổng xả tràn.
Hoạt động xả lũ này có thể được thấy qua những bức ảnh vệ tinh được NASA cung cấp. Các bức hình đã được xử lí màu sắc lại để nhìn rõ các dòng nước lũ hơn. Khi dòng chảy trôi xuống các cửa xả, dòng chảy sẽ có màu trắng ở trên ảnh.
Hình ảnh dưới đây cho thấy nước đi qua các cổng xả ở đập Tam Hiệp - dài 2.300m và cao 185m.
Bức hình thứ hai cho thấy đập Cát Châu Bá, nằm cách đập Tam Hiệp khoảng 26km về hướng đông nam. Con đập này cũng đã xả lũ trong thời gian qua.
Ảnh chụp ngày 30/6/2020.
Các hình ảnh vệ tinh được chụp hồi tháng 6 khi các con đập đối phó với đợt lũ lớn đầu tiên. Đợt lũ lụt nghiêm trọng thứ 2 - được truyền thông Trung Quốc gọi là "Trận lũ số 2" - đã tấn công khu vực vào tháng 7.
Theo Tập đoàn Tam Hiệp, mức nước trong đập đã đạt mức kỉ lục 164,18m vào ngày 19/7. Kỉ lục trước đây từng ghi nhận là 163,11m vào năm 2012. Đập này được thiết kế để chứa lượng nước với độ cao 175m.