NASA săn tìm hành tinh ngoài Hệ Mặt trời bằng vệ tinh vì lo Trái đất bị hủy diệt

An Dương |

Sáng 19/4, NASA đã phóng thành công vệ tinh săn ngoại hành tinh bằng tên lửa Falcon 9.

Space đưa tin, vào lúc 5h51 hôm nay theo giờ Việt Nam, NASA đã phóng Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh (TESS) bằng tên lửa Falcon 9 của SpaceX từ căn cứ không quân Cape Canaveral ở Florida, Mỹ.

Vệ tinh tiến vào quỹ đạo trái đất sau 49 phút. Nhiệm vụ chính của TESS là tìm kiếm hành tinh ngoài hệ mặt trời, hay ngoại hành tinh.

Chuyên gia George Ricker tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận xét: "TESS sẽ tăng số hành tinh chúng ta phải nghiên cứu lên rất nhiều, hơn gấp đôi số lượng kính viễn vọng không gian Kepler phát hiện".

Kính viễn vọng không gian Kepler của NASA đã phát hiện 2.650 ngoại hành tinh, chiếm khoảng 70% tổng số ngoại hành tinh con người tìm ra.

Tầng thứ nhất của tên lửa Falcon 9 quay trở lại trái đất chưa đầy 9 phút sau khi rời bệ phóng và hạ xuống bãi đáp của SpaceX trên Đại Tây Dương.

Hãng này đã thực hiện thành công nhiều lần đáp tên lửa tương tự. Đây cũng là một phần trong mục tiêu phát triển tên lửa và tàu vũ trụ tái sử dụng của SpaceX.

Tương tự Kepler, TESS phát hiện ngoại hành tinh nhờ ánh sáng thay đổi khi di chuyển qua bề mặt ngôi sao chủ. Vệ tinh này sẽ tập trung vào những ngôi sao gần và sáng nhất, sử dụng 4 camera và tìm kiếm hành tinh đủ gần để các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng hơn bằng thiết bị khác.

TESS dựa vào các kính viễn vọng trên mặt đất và ngoài không gian để giúp xác định ngoại hành tinh, trong đó có kính viễn vọng không gian James Webb trị giá 8,8 tỷ USD của NASA. James Webb dự kiến phóng lên vũ trụ năm 2020.

Kính viễn vọng này có thể thăm dò oxy, methane hay dấu hiệu sự sống khác trong khí quyển của một số hành tinh do TESS tìm ra.

TESS di chuyển theo quỹ đạo khác Kepler. Trong khi Kepler bay xung quanh Mặt Trời thì TESS hoạt động quanh Trái Đất, mỗi vòng quỹ đạo kéo dài 13,7 ngày.

Vệ tinh này có thể tiếp cận trái đất ở khoảng cách 108.000 km và lùi xa 373.000 km. TESS sẽ truyền dữ liệu nhanh chóng và hiệu quả khi tiến gần trái đất.

Vệ tinh săn ngoại hành tinh mới trị giá 200 triệu USD, chưa kể chi phí phóng. Ban đầu, NASA dự định đưa TESS lên vũ trụ vào ngày 17/4. Tuy nhiên, thời điểm phóng được lùi lại để SpaceX kiểm tra hệ thống kiểm soát và điều hướng của tên lửa.

Liên quan tới cuộc tìm kiếm hành tinh ngoài hệ mặt trời, tính từ tháng 3/2009 đến tháng 5/2013, Kepler đã quan sát được khoảng 145.000 ngôi sao giống mặt trời trong một khu vực nhỏ của bầu trời đêm gần chòm sao Thiên Nga.

Phần lớn những ngôi sao này nằm cách xa chúng ta hàng trăm hay thậm chí là hàng ngàn năm ánh sáng, vì vậy mà có rất ít cơ hội cho việc con người sẽ “ghé đến tham quan” – ít nhất là trong tương lai gần.

Tuy vậy, dữ liệu này đã cho các nhà thiên văn học biết rằng có rất nhiều hành tinh giống với trái đất, và cơ hội tìm kiếm sự sống ngoài trái đất là hoàn toàn khả thi.

Thêm vào những phát hiện trước đây của Kepler, khám phá này đã tìm ra thêm 10 hành tinh là ứng viên giống với trái đất, nâng tổng số những hành tinh này lên 49. Nếu bất kỳ hành tinh nào trong số đó có bầu khí quyển ổn định, thì nơi đó sẽ có khả năng xuất hiện sự sống ngoài trái đất.

Các nhà khoa học đã không nói quá nhiều về 10 hành tinh mới này, chúng dường như có kích thước gần giống với trái đất và có quỹ đạo nằm trong “khu vực có thể cư trú” của những ngôi sao của chúng ta – nơi mà nước dường như có thể ổn định và ở dạng lỏng, không bị đóng băng hoặc bốc hơi.

Mặc dù vậy, không ai dám chắc những hành tinh này là nơi có thể sinh sống.

Ngoài việc có chứa một bầu khí quyển ổn định, những thứ mảnh kiến tạo và không bị khoá thuỷ triều cũng có thể là điều kiện cần thiết.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Kepler cho rằng còn rất nhiều hành tinh giống với trái đất đang đợi “điểm danh”, bởi kính viễn vọng chỉ có thể “đếm” khi những hành tinh này vượt qua được các ngôi sao của chúng ta.

Phương pháp phát hiện các hành tinh mà các nhà khoa học Kepler sử dụng liên quan đến việc tìm kiếm sự suy giảm trong độ sáng của các ngôi sao, gây ra bởi một hành tinh chắn một phần ánh sáng của ngôi sao (tương tự như cách mặt trăng che khuất mặt trời).

(T/h)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại