Audrey Hepburn không chỉ được biết đến rộng rãi như mỹ nhân trên màn ảnh của Hollywood, mà còn là nàng thơ bất hủ trong ngành thời trang. Sức ảnh hưởng của bà lan tỏa gần như khắp thế giới.
Hepburn hoạt động trong thời Hoàng kim của Hollywood. Bà xếp ở vị trí thứ 3 trong danh sách những huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử chiếu bóng Hoa Kỳ do Viện phim Mỹ bình chọn và được vinh danh tại Đại lộ Danh vọng Hollywood.
Cho đến thời điểm hiện tại, Audrey Hepburn vẫn là nguồn cảm hứng cho không ít sự sáng tạo. Phong cách duyên dáng, đường nét yêu kiều của bà đã trở thành huyền thoại trong lòng người hâm mộ.
Ngay từ lần đầu tiên xuất hiện trong vở kịch Gigi tại sân khấu Broadway, vai diễn cô gái trẻ người Paris có đôi mắt tròn xoe đã giúp nữ diễn viên gốc Bỉ dành nhiều sự chú ý. Từ đó, bà từng bước khẳng định vị thế của mình trong diễn xuất.
Vai diễn đưa bà lên hàng minh tinh là Holly Golighly trong bộ phim Breakfast at Tiffany's (1961). Lối diễn xuất đầy tinh tế, hóa thân trọn vẹn vào nhân vật đã giúp tên tuổi của Audrey Hepburn tỏa sáng hơn bao giờ hết.
Cơ duyên đến với Hollywood đã giúp bà chính thức bước chân vào hàng ngũ ngôi sao hàng đầu thế giới, từng bước trở thành biểu tượng của làng điện ảnh cũng như thời trang.
Sự đặc biệt của Audrey Hepburn không phai nhòa theo năm tháng vì bà có một phong cách thời trang của riêng mình.
Trong khi vẻ đẹp quyến rũ, đẫy đà theo tiêu chuẩn "đồng hồ cát" lúc bấy giờ đang là xu hướng nhưng Audrey Hepburn lại mang đến một sự khác biệt lớn. Với dáng người thanh mảnh, đôi lông mày đậm màu và mái tóc pixie, nữ diễn viên là người định nghĩa lại các tiêu chuẩn sắc đẹp trong thời kỳ đó.
Công chúng thường không nhìn thấy bà trong những bộ trang phục quá "phô phang", đè ép những đường cong "nóng bỏng". Thay vào đó, hình ảnh của bà luôn đầy kín đáo và thanh lịch.
Họa tiết kẻ ô và gam màu pastel nhẹ nhàng tạo hình ảnh trẻ trung, nữ tính. (Ảnh: Getty Images)
Nhưng điều đó không biến Hepburn trở thành một người phụ nữ cằn cỗi hay nhàm chán. Ngược lại, chính sự thanh tao từ kiểu dáng cho đến màu sắc, hài hòa với thần thái, khí chất ngời ngời đã giúp bà trở nên nổi bật hơn cả.
Mỗi trang phục bà khoác lên người, dù cầu kỳ hay đơn giản nhưng đều nhanh chóng trở thành một xu hướng vào thời điểm đó.
(Ảnh: Vintag.es)
Chiếc váy đen nhỏ nhắn, kính râm ngoại cỡ, vòng ngọc trai tạo nên phong cách cổ điển đầy quý phái cho đến tận ngày nay. Trên màn ảnh cũng như ngoài đời, bà đại diện cho sự sang trọng, tinh tế cùng gu thẩm mỹ thượng thừa.
Sức ảnh hưởng của Hepburn lớn đến nỗi, người ta thậm chí còn gọi bà là “nhà tiên tri Vanga của giới thời trang”. Sở dĩ như vậy là bởi đến thời điểm hiện tại, phong cách của bà vẫn được rất nhiều tín đồ thời trang và các nhà mốt danh tiếng nhất thế giới học hỏi.
Áo len dệt kim là item thời trang bất diệt luôn xuất hiện vào thời điểm Thu - Đông.
Audrey Hepburn còn là nàng thơ Givenchy được hết mực "yêu thương". Những bộ trang phục của nhà mốt này luôn trở nên lấp lánh hào quang khi nữ diễn viên khoác lên người.
Mối quan hệ của bà và NTK lừng danh Hubert de Givenchy được gọi là “tâm giao”. Cả hai đã cùng nhau tạo ra vô số thành tựu từ thuở trẻ trung, tiếp tục sánh vai bên nhau như những tri kỷ thực sự ở độ tuổi xế chiều.
Audrey Hepburn là nàng thơ cả đời của Givenchy. (Ảnh: Hulton Archive/Getty Images)
Bộ phim Sabrina (1954) đánh dấu lần hợp tác đầu tiên thành công của Givenchy và Audrey Hepburn. Khi đó, Audrey phải đảm nhiệm hình ảnh một cô gái Paris hiện đại với niềm đam mê bất tận dành cho trang phục Couture. Bà đã tìm tới NTK Balenciaga nhưng ông quá bận rộn nên đã từ chối.
Sau đó, cơ duyên đã khiến Audrey Hepburn tìm tới Hubert de Givenchy. Dù lúc đó, NTK này đang chuẩn bị một bộ sưu tập mới nhưng phong thái của bà đã thuyết phục ông.
Bộ phim Sabrina sau đó đã thắng Giải Trang phục xuất sắc nhất của Oscar, mở ra một loạt trang phục kinh điển đi vào lịch sử của cả ngành thời trang và điện ảnh sau đó. Các bộ phim Funny Face, Breakfast at Tiffany’s, How to Steal a Million… đều là những tác phẩm kinh điển góp phần định hình thẩm mỹ thời trang thập niên 50s, 60s.
Sabrina đánh dấu sự khởi đầu của biểu tượng thời trang và NTK Givenchy.
Hepburn diện thiết kế Givenchy trong bộ phim Funny Face 1957.
Nhiều tín đồ thời trang coi trang phục trong Breakfast at Tiffany’s là đại diện của vẻ đẹp trang nhã và kinh điển.
Tuy được cả làng thời trang và điện ảnh tung hô, bản thân Audrey Hepburn lại không cảm thấy mình xinh đẹp. Điều này được con trai của bà tiết lộ trong một buổi phỏng vấn với Vanity Fair vào năm 2013.
Luca Dotti đã cho biết, mẹ mình thường xuyên nhìn vào gương và nói: "Không hiểu vì sao mọi người lại thấy mẹ xinh đẹp nữa". Bà cho rằng ngoại hình của mình là "một tổ hợp của các khuyết điểm".
Không giống những người phụ nữ khác chỉ muốn bảo vệ vẻ ngoài trẻ trung, nhan sắc xinh đẹp thì Audrey Hepburn lại có một suy nghĩ hết sức khó hiểu. Bà chỉ thích mình sớm lão hóa vì khi đó, mọi người sẽ không còn tập trung quá nhiều vào sắc đẹp. Bà mong rằng, khán giả có thể hướng tới những điều khác quan trọng hơn.
Chiếc váy đầy độc đáo mà Audrey Hepburn diện trên màn ảnh.
Khi dành thời gian nghỉ ngơi, Audrey Hepburn dành phần lớn thời gian của mình cho các hoạt động từ thiện. Năm 1988, bà từng trở thành đại sứ đặc biệt của UNICEF vào năm 1988. Với sức ảnh hưởng rộng lớn của mình, bà đã lên tiếng để giúp đỡ UNICEF trong việc quyên góp tiền và nâng cao nhận thức về hoạt động của tổ chức khi phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ.
Năm 1992, Audrey Hepburn được trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống. Trong cùng năm, nữ diễn viên đã được chẩn đoán mắc bệnh nan y và chỉ còn lại 3 tháng để sống.
Thời điểm đó, biểu tượng của làng thời trang đã quyết tâm sẽ dành khoảng thời gian cuối cùng để nghỉ lễ Giáng sinh cuối cùng tại căn nhà ở Thụy Sĩ cùng với gia đình.
Khi đi ngủ vào đêm hôm đó, bà đã nói rằng: "Đây là Giáng sinh đẹp nhất mà tôi từng có trong đời".
*Theo ELLE, Vogue / Ảnh: Getty Images, Pinterest, ELLE