Nhắc đến việc mua vàng, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đó là cách đầu tư để tích lũy tài sản của người già. Nhưng ở Trung Quốc, đây lại là hình thức đầu tư được giới trẻ coi là ít rủi ro nhất.
Zhong Yongxin (25 tuổi)
Nửa năm trở lại đây, mỗi ngày từ công ty về nhà, việc đầu tiên mà Yongxin làm chính là mở khóa ngăn tủ, lắc thật mạnh chiếc hộp thủy tinh đựng những "hạt đậu vàng" của mình. Tiếng lách cách vang lên như một lời khích lệ, truyền động lực cho Yongxin tiếp tục duy trì việc mua vàng mỗi tháng, ngay sau khi nhận lương.
Ảnh minh họa
Vì thu nhập không đủ để mua mỗi tháng 1 chỉ vàng nên hàng tháng, Yongxin chỉ có thể mua những hạt vàng nhỏ. Những "thỏi vàng" trong chiếc hũ của Yongxin có hình hạt đậu hoặc hình cá heo, ngôi sao nhỏ. Mỗi hạt vàng này thường chỉ nặng 1gr, có giá dao động trong khoảng 400-600 Nhân Dân tệ (khoảng 1,3 đến 2 triệu đồng).
Với Yongxin, so với đầu tư chứng khoán, việc đầu tư vàng ít rủi ro hơn nhiều và mang lại giá trị lâu dài. Còn đầu tư bất động sản là điều Yongxin hoàn toàn không nghĩ đến, đơn giản vì cô không có nhiều tiền đến thế và cũng không dám đi vay để đầu tư.
Zhou Siying (23 tuổi)
Siying cho biết cô đã bị cuốn vào "cơn sốt mua vàng". Để phù hợp với mục tiêu cá nhân, cô mua ít nhất một món đồ bằng vàng mỗi tháng: Đậu vàng hoặc đồ trang sức bằng vàng. Có những tháng, Siying dành tới 3000 Nhân Dân tệ (hơn 10 triệu đồng) để mua vàng. Con số này chiếm tới hơn ½ tiền lương hàng tháng của Siying.
Ảnh minh họa
Cơn sốt mua vàng của giới trẻ Trung Quốc
Nhắc đến xu hướng mua vàng để đầu tư ở Trung Quốc, Yongxin và Siying không phải là những người thuộc nhóm "số hiếm" trong cơn sốt mua vàng của người trẻ.
Trên các MXH nổi tiếng ở Trung như Weibo, giới trẻ Trung Quốc thậm chí còn thành lập các hội nhóm, ghi lại hành trình tích lũy những "hạt đậu vàng", mách nhau những cửa hàng bán vàng uy tín, có xuất trình hóa đơn đầy đủ, rõ ràng.
Trong báo cáo năm 2023 về ngành trang sức và phụ kiện, các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc là Tmall và Taobao cho biết: Thế hệ 9x (những người sinh năm 1900 trở về sau) là những nhóm người mua vàng nhiều nhất.
Năm 2022, một báo cáo chuyên sâu của công ty tư vấn Mob Data cho thấy xu hướng mua vàng của Thế hệ Z (những người sinh năm 1997 đến năm 2015) đã tăng từ 16% vào năm 2016 lên 59% vào năm 2021, đánh dấu tiềm năng chi tiêu cao nhất trong mọi nhóm tuổi.
Người Trung Quốc có một câu ngạn ngữ: "Khi bạn giàu, vàng là đồ trang sức. Khi bạn nghèo, vàng chính là tiền". Người trẻ Trung Quốc nhận thức rõ được câu nói này.
"Tôi có thể đeo vàng hàng ngày hoặc giữ trong két sắt và bán đi khi cần" là điều khiến Siying và không ít người trẻ Trung Quốc khác quyết định mua vàng.
Ảnh minh họa
Vàng từ lâu được công nhận là công cụ phòng hộ tài chính có giá trị. Một nghiên cứu của Hội đồng Vàng thế giới tiết lộ, trong 3 thập kỷ qua, vàng mang lại lợi nhuận hàng năm là 5,8%. Điều này làm lu mờ các tài sản như tiền mặt và trái phiếu trong cùng khoảng thời gian.
Wang Youxin - Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc cho biết, so với thỏi vàng nặng, các sản phẩm vàng có kích thước nhỏ phù hợp hơn với khả năng mua và mức thu nhập của nhóm người tiêu dùng trẻ. Những "hạt đậu vàng" có ngưỡng đầu tư thấp và hợp lý nhất, nhưng cũng không thể loại trừ nguy cơ bị mất giá trong tương lai.
Theo Sixthtone