Vụ thử hạt nhân đầu tiên của Anh ở Australia năm 1952. Nguồn: wikipedia.org
Theo đó, Anh sẽ nâng giới hạn đầu đạn hạt nhân dự trữ từ 180 lên không quá 260 đơn vị (thêm 40%). Theo giới chuyên gia, đây là động thái đảo ngược đáng chú ý trong 2 thập kỷ thúc đẩy giải trừ hạt nhân.
Đáng chú ý, Đánh giá Liên ngành cũng cho biết, Anh sẽ không công bố số lượng đầu đạn hạt nhân đang hoạt động hoặc triển khai, hay số lượng tên lửa Trident trực chiến để “làm phức tạp việc tính toán của những kẻ xâm lược tiềm tàng”.
Đánh giá Liên ngành đề cập những thay đổi về công nghệ, phản ánh sự lo ngại xung quanh việc cải tiến các loại tên lửa đạn đạo mà hệ thống vũ khí phòng thủ của Anh có thể bị xuyên thủng.
Đề cập đến sự cạnh tranh toàn cầu lớn hơn và sự phát triển trong công nghệ và học thuyết hạt nhân, Anh dường như đang giảm bớt ngoại giao truyền thống, thay vào đó gửi đi một thông điệp răn đe hạt nhân.
Chính phủ Anh chỉ giải thích bằng những thuật ngữ chung chung về lý do tại sao thay đổi chính sách, song quy tụ lại, Anh đang nhìn về nước Nga, vốn là động lực truyền thống các nhu cầu răn đe của quốc đảo sương mù. Bản Đánh giá miêu tả Nga là “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh” của Anh trong khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương.
Giới quan sát cũng nhận định, Đánh giá Liên ngành của London cũng lưu ý đến yếu tố Trung Quốc - nước đang âm thầm mở rộng và đa dạng hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.
Một "trò chơi" hạt nhân nguy hiểm
Theo Đánh giá Liên ngành, thay đổi quan trọng nhất đối với nguyên tắc sử dụng vũ khí hạt nhân của Anh là kho vũ khí hạt nhân trên tàu ngầm của nước này có thể được sử dụng để đối phó không chỉ với các mối đe dọa từ vũ khí hủy diệt hàng loạt mà còn đối với các mối đe dọa từ “các công nghệ mới nổi”.
Đánh giá Liên ngành cố tình để lại rất nhiều sự mơ hồ về cách Anh có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, hoặc “công nghệ mới nổi” cụ thể như thế nào là đủ để Anh phản ứng hạt nhân… Trong nội bộ nước Anh, lãnh đạo phe đối lập Keir Starmer đã chỉ trích mức giới hạn kho hạt nhân cao hơn vì nó không được giải thích “khi nào, tại sao hoặc vì mục đích chiến lược nào”.
Blue Danube - bom hạt nhân đầu tiên của Anh; Nguồn: wikipedia.org
Lucy Fisher - Phó Tổng biên tập chính trị tờ Daily Telegraph trích dẫn một nguồn tin chính phủ giấu tên rằng, “các công nghệ mới nổi” được đề cập đến, bao gồm không gian mạng, trí tuệ nhân tạo, mật mã và vũ khí năng lượng định hướng dùng kỹ thuật laser.
Tất cả chúng đều được coi là vũ khí chiến thuật hơn là vũ khí chiến lược, nghĩa là việc trả đũa hạt nhân để đáp lại việc sử dụng chúng sẽ thể hiện sự hạ thấp rất nghiêm trọng ngưỡng hạt nhân của Anh.
Quyết định của London tăng giới hạn dự trữ hạt nhân của Anh lên hơn 40% có thể dễ dàng được hiểu là một động thái lấy cảm hứng từ thực tiễn chính trị nội bộ, bắt nguồn từ quan điểm của đảng Bảo thủ về sức mạnh hạt nhân và chính trị gần đây của Brexit.
Nhưng quyết định này có ý nghĩa rộng lớn hơn, phản ánh môi trường hạt nhân quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, và sẽ làm cho nó trở nên tồi tệ hơn đáng kể. Ở cấp độ thế giới, uy tín của Anh - nước đi đầu trong vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân - sẽ bị giảm sút.
Việc Anh thay đổi chính sách sẽ gây khó khăn cho các quốc gia phi hạt nhân, có thể khiến các đối tác của Anh nghi ngờ rằng nỗ lực của họ gần như vô nghĩa đối với một quốc gia không quan tâm đến việc giải trừ quân bị một cách nghiêm túc.
Ngoại trưởng Iran đã chỉ trích Thủ tướng Anh về kế hoạch gia tăng kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của London trong khi bày tỏ quan ngại về nỗ lực của Iran bị cho là nhằm sở hữu vũ khí hạt nhân. Những gì chúng ta đang chứng kiến đã được một số học giả mô tả là sự ra đời của “kỷ nguyên hạt nhân thứ hai”, nhưng chúng ta đang ở trong một thế giới nguy hiểm hơn và khó đoán định hơn so với thời Chiến tranh Lạnh.
Nhiều quốc gia có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Triều Tiên có thể đe dọa một siêu cường bằng chiến tranh hạt nhân; hai đối thủ Ấn Độ và Pakistan đều có năng lực hạt nhân, và việc Iran mua lại công nghệ hạt nhân gây ra mối lo ngại nghiêm trọng, không chỉ đối với quốc gia hạt nhân giấu mặt Israel mà còn đối với bá chủ khu vực phi hạt nhân Saudi Arabia.
Chiến tranh mạng cũng khiến tình hình hiện tại trở nên nguy hiểm hơn so với đầu những năm 1960, vì nó cho phép một thế lực nắm quyền kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của người khác mà không cần bắn một phát súng nào.
Yellow Sun - bom nhiệt hạch đầu tiên của Anh; Nguồn: wikipedia.org
Điện Kremlin bày tỏ lấy làm tiếc vì quyết định trên của Phố Downing, cho rằng điều này sẽ gây nguy hại đến sự ổn định của thế giới. Bộ Ngoại giao Nga miêu tả bước đi này của London là một đòn mạnh giáng vào nỗ lực kiểm soát vũ khí toàn cầu.
Đại sứ Nga tại London đã cáo buộc Chính phủ Anh phá vỡ các cam kết trong hiệp ước quốc tế (vi phạm Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân và rất, rất nhiều thỏa thuận khác). Theo giới phân tích, ảnh hưởng của những thay đổi này lên cán cân quân sự với Nga, Trung Quốc và các đối thủ tiềm tàng khác, khó đo đếm ngay lập tức.
Trong khi nhân loại phải đối mặt với những thách thức mới, với việc loại bỏ các hiệp ước kiểm soát vũ khí cũ, đổi mới cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và sự phát triển của các công nghệ mới giúp thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân cực kỳ chính xác, các yếu tố này đã hạ thấp rào cản tâm lý đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân và làm trở lại ảo tưởng về thời kỳ tiền bom khinh khí rằng, các cuộc chiến tranh được tiến hành với việc sử dụng vũ khí hạt nhân hạn chế có thể chiến đấu và chiến thắng.
Điều đó lại thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới, mà Mỹ và Nga đã bắt đầu bằng cách từ bỏ các giới hạn thời Chiến tranh Lạnh.
Đánh giá Liên ngành của Anh thực sự mở ra cánh cửa cho Vương quốc Anh và các quốc gia khác tham gia cuộc đua. Nhưng ngay cả khi Anh quyết định không dỡ bỏ giới hạn đối với đầu đạn hạt nhân Trident và có được tất cả 80 đầu đạn trong một thời gian ngắn, thì cán cân hạt nhân thế giới sẽ khó thay đổi.
Bất chấp những thay đổi trên toàn cầu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, vẫn còn hai siêu cường Nga, với khoảng 4.300, và Mỹ - 3.800 đầu đạn hạt nhân. 80 đầu đạn Trident bổ sung sẽ không tạo ra nhiều khác biệt, cũng như không giúp nước Anh an toàn hơn nếu tình huống xấu nhất xảy ra.
Nhưng bằng cách quyết định tăng giới hạn, Anh - quốc gia thứ ba trên thế giới phát triển năng lực hạt nhân của riêng mình - đang gửi tín hiệu sai - tái vũ trang, thay vì hướng thế giới tới bàn đàm phán để thổi luồng sinh khí mới vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí .
Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, vì các cuộc đàm phán giờ đây sẽ phải vượt ra ngoài hai siêu cường hạt nhân và bao gồm phần còn lại của các “quốc gia sở hữu” hạt nhân - trước hết và quan trọng nhất là Trung Quốc. Vương quốc Anh nên đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới, thay vì khởi động lại nó./.