Cán bộ, chiến sĩ nêu cao ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn đạt kết quả huấn luyện giỏi, bảo đảm an toàn tuyệt đối nhiều năm liền.
Đứng chân trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, từ những ngày đầu thành lập, Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 26 gặp không ít khó khăn do đội ngũ cán bộ còn thiếu, trình độ cán bộ, chiến sĩ không đồng đều, vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) thiếu đồng bộ. Nơi ăn, ở của bộ đội cũng như đời sống văn hóa tinh thần còn gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Đảng ủy, Chỉ huy lữ đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị từng bước khắc phục khó khăn, xác định nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, SSCĐ, xây dựng nền nếp chính quy làm mũi nhọn xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Xe tăng của Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 26 (Quân khu 7) tham gia diễn tập hiệp đồng quân binh chủng.
Từ đặc thù huấn luyện binh chủng, lữ đoàn xác định nâng cao chất lượng huấn luyện các kíp xe tăng, thiết giáp làm cơ sở vững chắc để nâng cao sức mạnh tổng hợp, sức cơ động, hoàn thành tốt nhiệm vụ SSCĐ, tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, thảm họa và các nhiệm vụ đột xuất.
Lữ đoàn tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 765 của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 1309 của Đảng ủy Quân khu 7 về lãnh đạo nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo.
Hằng năm, các cơ quan, đơn vị thuộc lữ đoàn chủ động quán triệt, thực hiện đúng chỉ lệnh huấn luyện của cấp trên, bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, tập trung huấn luyện toàn diện các nội dung, bảo đảm tính đồng bộ, chuyên sâu, sát với thực tế nhiệm vụ, tổ chức biên chế, địa bàn hoạt động và đối tượng tác chiến, đáp ứng yêu cầu SSCĐ, chiến đấu trong điều kiện tác chiến địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn yêu cầu các đơn vị làm tốt tất cả các khâu, từ xây dựng kế hoạch, tập huấn cán bộ, chuẩn bị thao trường, bãi tập, học cụ đồ dùng huấn luyện, thông qua giáo án đến tổ chức hội thi, hội thao và kiểm tra, đánh giá kết quả, trọng tâm là hội thao, kiểm tra thực hành phối hợp hiệp đồng cấp phân đội, kíp xe.
Yêu cầu thể lực là đòi hỏi cao đối với cán bộ, chiến sĩ các kíp xe, các đơn vị đều chú trọng triển khai thực hiện đầy đủ kế hoạch thể dục sáng, thể thao chiều, thể thao ngoại khóa, hành quân rèn luyện, sử dụng thao trường... Kết hợp rèn luyện thể lực, nâng cao sức cơ động của bộ đội với rèn luyện kỷ luật, tác phong chính quy.
Trong thực hành huấn luyện, các đơn vị lấy huấn luyện cán bộ làm khâu then chốt, trọng tâm là cán bộ chỉ huy phân đội, kíp xe và đội ngũ hạ sĩ quan, nhân viên chuyên môn, hậu cần, kỹ thuật. Nội dung, thành phần yêu cầu tập huấn, bồi dưỡng cán bộ đều được đơn vị xác định dựa trên thực tiễn làm nhiệm vụ, qua các hội thao, hội thi.
Đến nay, 100% cán bộ đơn vị có trình độ cao đẳng trở lên, có hơn 60% trình độ đại học. 100% cán bộ đảm nhiệm huấn luyện được theo phân cấp, trong đó 95% cán bộ tiểu đoàn, 85% cán bộ đại đội và 89% cán bộ trung đội, cán bộ kíp xe đạt khá, giỏi.
Nhờ vậy, chất lượng huấn luyện năm sau luôn cao hơn năm trước, khắc phục sự chủ quan, giản đơn trong công tác huấn luyện.
Để huấn luyện chuyên sâu, lữ đoàn tổ chức các phân đội huấn luyện cơ động trên mọi điều kiện địa hình, thời tiết, chú trọng huấn luyện các hình thức chiến thuật phù hợp với trang bị, vũ khí có trong biên chế, huấn luyện dã ngoại hành quân xa, mang vác nặng, kết hợp chặt chẽ giữa cách đánh truyền thống và cách đánh hiện đại.
Bên cạnh thực hiện tốt diễn tập theo chuyên ngành, hằng năm, lữ đoàn đều phối hợp với các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Quân khu 7 để tổ chức các hình thức diễn tập trong tác chiến binh chủng hợp thành và các hình thức khác.
Trong diễn tập, đơn vị coi trọng việc đưa nhiều tình huống được xây dựng sát với thực tế chiến đấu và đối tượng tác chiến để rèn luyện bộ đội.
Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ SSCĐ, diễn tập, lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện dã ngoại dài ngày, huấn luyện ban đêm, huấn luyện chiến thuật kết hợp với huấn luyện kỹ thuật, đưa bộ đội vào các tình huống...
Các đơn vị đẩy mạnh sáng kiến cải tiến mô hình đồ dùng huấn luyện. Lữ đoàn còn chú trọng duy trì, thực hiện nghiêm công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất VKTBKT, góp phần nâng cao hệ số kỹ thuật. Đến nay, hệ thống nhà xe, kho, trạm của các đơn vị được xây dựng cơ bản, đúng quy cách, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.
Thời gian gần đây, địa bàn đơn vị đứng chân tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định như: Gần thành phố lớn; nhiều khu công nghiệp, do vậy các thế lực thù địch thường xuyên tiến hành các hoạt động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, tình hình thiên tai, ô nhiễm môi trường, sinh thái... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, hoạt động huấn luyện của bộ đội.
Lữ đoàn luôn phối hợp với cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang địa phương nắm chắc tình hình an ninh, trật tự địa bàn đóng quân, quán triệt giáo dục bộ đội nêu cao ý thức cảnh giác, nắm vững âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, sẵn sàng cơ động, SSCĐ, xây dựng địa bàn đóng quân an toàn.
Phát huy tốt truyền thống Anh hùng “Đoàn kết, sáng tạo, tự lực, tự cường, đã ra quân là đánh thắng”, hằng năm, đơn vị huấn luyện, diễn tập có 100% các khoa mục đều đạt yêu cầu, 75-85% khá, giỏi, được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi” nhiều năm liền.