Nắm tay nhau đi qua Syria, đã đến lúc Nga-Iran bước ra "thâu tóm" đấu trường Trung Đông?

Quốc Vinh |

Khi đối thủ khó chịu nhất là Mỹ đã lùi bước, Nga và Iran có thể cùng nhau thực hiện các mục tiêu ở Syria và từng bước tiến vào con đường thênh thang ở Trung Đông.

Sau nhiều tháng mâu thuẫn và đảo ngược chính sách về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria, Tổng thống Donald Trump cuối cùng đã quyết định chỉ giữ lại một lực lượng nhỏ ở quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, lực lượng nhỏ bé đó sẽ không đủ để chống lại Nga và Iran, theo tờ The Cipher Brief.

Cả hai nước đồng minh của Damascus đều hoan nghênh quyết định của ông Trump trong việc giảm vai trò của Mỹ ở Syria, khi Washington tuyên bố chiến thắng sớm trước IS và tìm kiếm một lối thoát nhanh chóng.

Nhiều chính trị gia nổi tiếng của Mỹ và các sĩ quan quân đội cấp cao đã công khai tuyên bố Washington cần phải giữ quân đội ở đây để ngăn chặn sự trở lại của IS, mặc dù trên thực tế chính quyền Trump chỉ muốn tập trung vào việc chống lại mối đe dọa đến từ Iran.

Dẫu vậy, Lầu Năm Góc đã cam kết rằng, số lượng quân giữ lại - có thể là 400 người – sẽ nỗ lực để đạt được nhiều tiến bộ trong việc chống lại ảnh hưởng của Iran, bên cạnh thực hiện các ưu tiên khác như chống lại tàn quân IS và ngăn chặn các cuộc đụng độ giữa dân quân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự hiện diện còn lại của Mỹ ở Syria chủ yếu tập trung ở al-Tanf và sẽ chú trọng vào tình báo , giám sát và trinh sát cũng như chống khủng bố. Hiện giới quan sát vẫn còn chưa biết chính xác mối liên kết giữa các nguồn lực ở Syria và ưu tiên của Mỹ sẽ là gì, với việc tướng Joseph Votel gần đây phát biểu với Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng: "kế hoạch chi tiết vẫn đang được phát triển".

Chính quyền Trump đang cố gắng đảm bảo các cam kết từ các nước châu Âu, đặc biệt là Vương quốc Anh, Đức và Pháp, trong việc duy trì sự hiện diện của quân đội ở Syria, với thời hạn được đề ra từ tuần trước, nhưng cho đến nay vẫn không có bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết.

Nga coi việc Mỹ rút quân như một sự xác nhận đối với chiến lược Syria của mình, nơi Tổng thống Vladimir Putin đã dành những nguồn lực quan trọng để củng cố chính quyền Assad. Sự tham gia của Điện Kremlin ở Syria rất quan trọng cả về mặt tượng trưng và thực tế.

Tổng thống Putin dường như đã sẵn sàng sử dụng đòn bẩy đáng kể trong bất kỳ cuộc dàn xếp chính trị nào được đàm phán trong tương lai ở Syria, cho phép Moscow nâng cao vị thế là một cường quốc có thể đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại trong một khu vực đầy biến động, nằm bên ngoài phạm vi ảnh hưởng truyền thống.

Nắm tay nhau đi qua Syria, đã đến lúc Nga-Iran bước ra thâu tóm đấu trường Trung Đông? - Ảnh 1.

Lực lượng nhỏ bé của Mỹ ở Syria được đánh giá là không làm thay đổi được tình hình.

Từ góc độ địa chính trị, người Nga sẽ sử dụng Syria làm bệ phóng sức mạnh trên khắp Trung Đông và xa hơn nữa, đồng thời tận dụng mối quan hệ với Syria, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục vượt qua vị thế của Mỹ.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã bắt đầu tuần tra quân sự chung ở tỉnh Idlib, trong những gì Moscow và Ankara gọi là "khu vực giảm leo thang", ngay cả khi nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Sham vẫn duy trì sự hiện diện đáng kể ở đó.

Ngoài Syria, Nga duy trì mối quan hệ tích cực với các đồng minh thân cận nhất của Washington trong khu vực, Saudi Arabia và Israel. Hơn nữa, có lẽ được khuyến khích bởi thành công ở Syria, Moscow đang tìm cách đóng một vai trò quan trọng hơn trong cuộc xung đột ở Libya.

Iran cũng sẽ được hưởng lợi từ việc Mỹ để lại ít quân hơn ở Syria, để tiến tới các hành động mở rộng ảnh hưởng trên toàn khu vực, từ Damascus đến Baghdad và xa hơn. Tehran là một trong những người hưởng lợi chính từ chính sách quay lưng của Mỹ ở Syria, nga y cả khi nước này vẫn là mục tiêu hàng đầu của chính quyền Trump.

Nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad gần đây đã đến thăm Tehran để củng cố sự ủng hộ đối với chính quyền của ông, và nếu ông Assad vẫn giữ vững quyền lực như hiện tại, Iran hoàn toàn có thể duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Damascus và Hezbollah của Lebanon.

Với việc đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn và những chính sách còn chưa định hình ở Syria, giới quan sát vẫn không chắc chắn về việc Mỹ sẽ đóng vai trò gì trong các giải pháp tiềm năng của cuộc xung đột.

Tuy nhiên, điều rõ ràng là cả Nga và Iran sẽ đảm nhận vai trò lớn hơn, không chỉ ở Syria mà còn định hình tương lai của Trung Đông theo từng ưu tiên và mục tiêu của riêng họ, mà ở Syria, ít nhất, đã thành công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại