Vào sáng ngày 20 tháng 2, một học sinh 21 tuổi, đang luyện thi đại học, tên NTH (Tứ Xuyên, Trung Quốc), đã nhắn tin cho mẹ bảo rằng:
"Con thật sự rất muốn nỗ lực học thật giỏi, thi vào một trường đại học tốt, nhưng ước nguyện này, có lẽ kiếp sau mới thành hiện thực được.
Con yêu mẹ, kiếp sau, mẹ đừng làm mẹ của con nữa nhé, con quá mệt rồi!"
Người mẹ nhận được tin liền lập tức trả lời, nói: "Con mãi mãi là con ngoan của mẹ, con là trụ cột của mẹ, mẹ sẽ làm hết sức mình để ủng hộ con."
Qua vài phút sau, người mẹ lại tiếp tục gửi thêm một tin:
"Mẹ rất tự hào vì điểm thi của con đã vượt qua được A (tên một bạn cùng lớp), mẹ hi vọng lần này con có thể vượt qua những học sinh khác.
Giáo viên nói nếu con tập trung học sẽ không thành vấn đề. Con chính là một bé con thông minh."
Sau một phút gửi tin nhắn cho con trai, người mẹ liền nhận được cuộc gọi từ điện thoại con mình, thông báo với cô hãy đến đồn cảnh sát một chuyến.
Trong camera giám sát cho thấy, NTH đã để lại điện thoại di động và cặp sách rồi nhảy xuống sông.
NTH là đứa con duy nhất trong nhà, bố mẹ li hôn, nên cậu ấy sống với mẹ. Đối mặt với bi kịch này, người mẹ là người đau lòng nhất.
Cô ấy đã phải hi sinh rất nhiều vì con trai, nhưng cô ấy lại không biết rằng những câu nói đại loại như:
"Con ngoan của mẹ hãy cố gắng lên nhé, nhất định sẽ làm được."
"Con mãi mãi là con ngoan của mẹ"
"Con của mẹ là người nghe lời, hiểu chuyện nhất thế giới..." trong mỗi cuộc hội thoại giữa hai mẹ con lại trở thành áp lực và gánh nặng tâm lý cho cậu bé.
Phải, cô ấy rất yêu con trai mình, nhưng khi sắp xếp lại cuộc trò chuyện giữa hai người, tôi đã có thể nhìn thấy được vấn đề ngăn cách giữa hai mẹ con.
Nó không nằm ở việc người mẹ có yêu thương con trai hay không, mà nằm ở cách giao tiếp giữa cả hai.
Người mẹ vì lo làm việc, chưa bao giờ đối diện trực tiếp, trò chuyện với con, hay cho nó những cái ôm cổ vũ đầy ấm áp.
Trừ việc giao tiếp qua điện thoại, con trai cô ấy khi về nhà sau khi tự lo bữa tối, liền vào phòng ôn tập, cô ấy không muốn làm phiền việc học của con và do quá mệt mỏi vì công việc, nên đến tận khuya khi vừa về nhà liền về phòng mình ngủ một giấc tới sáng, dậy sớm, chuẩn bị cho con bữa sáng để trong bếp và đi làm trước.
Khi trò chuyện qua tin nhắn, người con đã âm thầm cầu xin sự giúp đỡ từ người mẹ. Cậu bé hi vọng người mẹ có thể nghe thấy sự mệt mỏi, bất lực của mình. Nhưng người mẹ lại không hiểu.
Hay nói đúng hơn, người mẹ quá vội với công việc, nên chưa thực sự nghiền ngẫm kĩ câu nói của con trai mình.
Khi thấy con có xu hướng than vãn, cô chỉ đơn thuần làm theo ý kiến của chính mình, thúc đẩy con trai nỗ lực học tập, sớm ngày thành công.
Mà những câu nói này, tích lũy ngày qua ngày, lại trở thành thứ nghiền nát ý muốn sinh tồn của cậu bé.
Người mẹ đáng thương, nhưng cậu bé kia cũng rất đáng thương!
Khi người mẹ trói buộc tương lai của con mình bằng lý tưởng của bà ấy, đứa trẻ không có quyền lựa chọn. Bởi vì hiểu chuyện, nên cậu bé không dám tự ý bác bỏ, chẳng những thế còn phải luôn làm trái tâm nguyện chính mình, vùi đầu vào việc học, chỉ vì không muốn mẹ thất vọng.
Ngày qua ngày, cậu bé mắc chứng trầm cảm nặng. Nhưng người mẹ vẫn không hề hay biết.
Có nhiều hàng xóm hay tin liền đến chê trách: "Trầm cảm là do chính bản thân nó suy nghĩ quá nhiều thôi, có gì nghiêm trọng đâu..."
Tôi xin được trả lời: "Trầm cảm thực sự là một căn bệnh rất nghiêm trọng. Nếu bạn không hiểu về nó, xin hãy im lặng!"
Bản thân tôi cũng là người từng bị trầm cảm, và chỉ ai đã từng mắc phải căn bệnh này mới có thể nói rõ được nó nguy hiểm và kinh khủng đến cỡ nào, nó giày vò tâm trí bạn trong từng giây từng phút.
Từ bi kịch của NTH, là bậc cha mẹ, chúng ta nên tự rút ra cho mình một bài học thích đáng:
Đừng nên khăng khăng xem "quan điểm cá nhân" của mình thành "lời động viên" con cái.
Đứa trẻ càng hiểu chuyện, càng không nên làm như vậy, bởi vì chúng sẽ xem lời nói của bạn là "thánh chỉ" và thực hiện nó một cách bài bản.
Con cái càng hiểu chuyện, càng nên dành thời gian trò chuyện và hỏi ý kiến riêng của nó. Còn nếu bạn cứ mãi phớt lờ cảm xúc của con và bắt trẻ làm theo ý mình bằng những lời "động viên dịu dàng", thì sau này bạn chính là người đã đẩy đứa trẻ đi vào đường cùng.
Phải chi lúc NTH nhắn dòng tin cuối cùng cho mẹ cậu ta, ai đó có thể nói với cậu bé, rằng thi đậu hay thi trượt đều không phải lỗi của cậu, cậu đã cố gắng hết sức. Mà nếu đã thực sự nỗ lực, mọi thứ đều có thể được đền bù bằng nhiều khả năng khác trong cuộc sống...
Có lẽ bi kịch đã không xảy ra.
Theo khảo sát, có 10 câu nói của phụ huynh mà học sinh không thích nghe nhất, đó chính là:
"Con nhìn con A/ thằng B xem, tụi nó toàn tự học mà vẫn giỏi,..."
"Nhà chúng ta rất nghèo, vì để con học đại học, ba mẹ đã phải bán những đồ giá trị trong nhà, làm thuê nhiều giờ. Con nhất định phải học cho giỏi đấy!"
"Cố lên nào! Đây là bước ngoặt quan trọng trong đời con, ráng mà thi cho tốt!"
...
Những câu nói này, đối với nhiều bậc cha mẹ là rất bình thường, nhưng trong mắt con trẻ, chúng lại thành "so sánh con nhà người ta", "đặt kì vọng quá cao", "định vị cả cuộc đời chỉ bằng một bài thi"...
Trên thực tế, giao tiếp với con cái cũng không quá khó, bạn chỉ cần nắm vững hai nguyên tắc:
Thứ nhất: Đừng truyền cảm xúc và suy nghĩ cá nhân của bản thân cho con trẻ
Một số đứa trẻ có điểm số và năng lực đủ tốt để thi đậu, nhưng vì sự lo lắng của cha mẹ cùng lời nhắc nhở đều đặn bên tai khiến trẻ lo lắng và ngược lại mất cân bằng trong trạng thái tâm lý.
Thứ hai: Đừng nhắc điểm số của con cả ngày
Trước đây, khi còn là sinh viên, tôi từng dạy thêm cho một học sinh. Ba của bé chỉ cần thấy bài kiểm tra của nó từ 9 điểm trở xuống liền không ngừng nhắc đi nhắc lại suốt ngày, và bảo bé: "Sao con học ngu như vậy!"
Cách dạy này khiến đứa trẻ ngày càng tự ti, thậm chí dù được 9 điểm cũng cố gắng giấu nhẹm bài kiểm tra không dám để ba nó thấy.
Làm vậy không phải thương con, mà chính là đang hại con.
Chúng ta nên khoan dung cho sự không hoàn hảo và thất bại của con cái, đồng thời hướng dẫn chúng đi bước đầu tiên trong việc thay đổi chính mình, để khi trưởng thành, con cái cũng có thể tích cực đối diện với khó khăn mà không sợ hãi trốn tránh nó.