Lúc 10 giờ tối hôm thứ Tư (17/4) ở cầu Lư Phố bắc qua sông Hoàng Phố, Thượng Hải, Trung Quốc, một cậu học sinh 17 tuổi đã gieo mình xuống tự vẫn trước sự chứng kiến của mẹ.
Được biết, cậu thiếu niên đã xảy ra mâu thuẫn với bạn học ở trường.
Hai mẹ con đang tranh cãi về vấn đề này thì người mẹ bất ngờ dừng xe ngay trên cầu, chỉ ít phút sau đó, cậu con trai liền lao ra khỏi xe và quyết định kết liễu sinh mạng mình.
Mọi chuyện xảy ra quá nhanh khiến người mẹ trở tay không kịp.
Người mẹ nhanh chóng đuổi theo con nhưng tất cả đã quá muộn.
Ở những giây phút cuối của đoạn video trích từ camera giám sát, người ta chỉ còn thấy được hình ảnh người mẹ đau đớn ngã gục trên thành cầu vì không thể giữ được con.
Khi xe cứu thương đến hiện trường, xác nhận cậu thiếu niên đã thiệt mạng. Đó là một nam sinh 17 tuổi, học năm thứ hai trường trung học.
Trước thảm kịch đau đớn này, người mẹ có lẽ sẽ phải ám ảnh cả cuộc đời và hối hận vì phút giây tranh cãi đó, nhưng đáng tiếc rằng mọi chuyện đều đã không còn có thể cứu vãn được nữa.
Nhảy cầu tự vẫn - Quyết định bốc đồng hay sự dày vò tâm trí từ lâu?
Có nhiều người sau khi biết về sự việc đã lên tiếng chỉ trích cậu bé còn trẻ người non dạ, hành động quá bốc đồng.
Nhưng đối với những người lựa chọn cái chết một cách dứt khoát, không chùn bước, thực ra trong lòng họ đã có vô số lần nghĩ đến việc tự vẫn.
Theo một cuộc khảo sát với hàng chục nghìn sinh viên do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ thực hiện, dữ liệu cho thấy có đến 15% thanh thiếu niên đã từng cân nhắc một cách nghiêm túc đến việc tự tử.
Do đó, nếu các bậc phụ huynh không tôn trọng con mình, nghĩ rằng có thể đánh mắng và kiểm soát chúng tuỳ thích thì rất có thể sẽ dẫn đến những kết cục đau thương như bà mẹ và cậu con trai 17 tuổi kia.
Sau tất cả những mâu thuẫn tích tụ, cả hai bên đã không còn đủ kiên nhẫn để cho nhau cơ hội.
Ở Thái Lan cũng đã từng xảy ra câu chuyện thương tâm tương tự, trong một siêu thị gia đình, hai cha con đã nảy sinh cãi vã.
Trong lúc tức giận, người cha đã đưa cho con trai một khẩu súng lục và nói: "Có giỏi thì mày đừng sống nữa!".
Không may, cậu con trai đã cầm khẩu súng lên, chĩa thẳng vào đầu mình và bắn một phát chí mạng. Sự kiên quyết của cậu cũng giống như nam sinh nhảy xuống cầu ở Thượng Hải, đã không cho cha mình bất kỳ cơ hội nào.
Câu chuyện thương tâm tương tự đã xảy ra ở Thái Lan.
Khi người cha nghe thấy tiếng súng và vội vã chạy qua thì đứa con trai đã nằm trên mặt đất. Hành động nhanh chóng tự kết liễu đời mình của cậu trai trẻ để lại nỗi đau không bao giờ có thể hàn gắn được cho cha mẹ mình.
Đôi khi, một câu nói ra cho hả giận, một lời đánh mắng tưởng như chỉ là thói quen của cha mẹ lại có thể trở thành vũ khí đẩy con họ đến bước đường cùng.
"Bạo lực bằng lời nói" có tính sát thương cao hơn cả vũ khí
Trong một bộ phim tài liệu về "Bạo lực bằng lời nói" (Words Can Be Weapons) đã kể về cuộc đời thực của những thanh thiếu niên lầm đường, lạc lối khi thường xuyên phải hứng chịu những đòn roi, nhiếc mắng từ phía cha mẹ với những từ ngữ nặng nề như: "Rác rưởi", "nỗi ô nhục" hay "tại sao không biến mất đi"...
Những câu từ trong lúc tức giận này đã in sâu vào tiềm thức của trẻ và cuối cùng, trong bộ phim tài liệu, những cậu thiếu niên ngồi sau song sắt nhà tù kể lại về tuổi thơ đầy nước mắt của mình trong hối hận muộn màng.
Nếu không tự làm tổn thương bản thân, họ lại lầm đường bằng cách gây tổn thương người khác để rồi vướng vào vòng lao lý.
Có lẽ phần lớn các bậc cha mẹ không biết rằng có nhiều đứa trẻ thường ngày hay "dạ dạ vâng vâng", phó mặc cho sự sắp đặt của họ lại đang sống một cuộc sống rất khốn khổ và đã rất nhiều lần nghĩ về lựa chọn ra đi mãi mãi.
Từng có câu nói: "Sau khi trưởng thành, bố mẹ đợi con nói một tiếng cảm ơn, nhưng con trẻ lại mong nhận từ bố mẹ một lời xin lỗi".
Đối với nhiều bậc sinh thành, những câu nói kia chỉ đơn giản là lời nói trong lúc không kiềm chế được tâm trạng, qua rồi thì thôi; nhưng đối với những cô cậu thiếu niên đang trong độ tuổi nhạy cảm, chúng như những mũi dao dần khoét sâu những vết sẹo khó lành trong tận đáy tim.
Tháng 6/2018, thi thể một nam sinh đã được phát hiện ở khu vực sông Cừ Giang thuộc thị trấn Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên.
Cậu để lại di chúc nói về nguyên nhân tìm đến cái chết là do thi đại học không tốt, bị bố trách mắng và cuối cùng là câu nói khiến tất cả mọi người đều đau lòng: "Hài cốt của con một là hoả táng, hai là ném đi, (bố mẹ) đừng mang về nhà lại thấy phiền".
Đừng để mọi chuyện trở thành nỗi đau suốt một đời
Sau khi đoạn clip về cậu học sinh 17 tuổi nhảy cầu tự tử trước mặt mẹ mình đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội đã nhận vô số ý kiến trái chiều từ phía dư luận.
Người cảm thông, chia sẻ với nỗi đau mất con của bà mẹ. Số khác lại bày tỏ rằng các bậc phụ huynh không nên quá gay gắt với con cái trong độ tuổi vị thành niên nhằm tránh trường hợp đáng tiếc như vừa xảy ra.
Cũng có một số bình luận chỉ trích quyết định của cậu thiếu niên là "bốc đồng và nông nổi".
Tuy nhiên, đã từng có rất nhiều người trải qua một thời tuổi trẻ, họ hiểu được rằng trong những năm tháng ấy cũng có những lần bản thân yếu lòng và nghĩ về những lựa chọn tiêu cực nhất.
Có những người đã mạnh mẽ vượt qua, nhưng không phải ai cũng đủ kiên định và nghị lực như vậy.
Có thể những cô bé, cậu bé ấy đã từng phải trải qua quãng thời gian đè nén đến cùng cực, chịu sự tổn thương nặng nề về mặt tâm lý để rồi đến bước đường ngày hôm nay.
Không có cha mẹ nào không yêu thương con cái của mình, nhưng tiếc rằng đôi khi họ lại yêu thương sai cách.
Khoảnh khắc người mẹ đau đớn ngã gục xuống thành cầu, liên tục đấm tay xuống đất trong tuyệt vọng đã cho thấy con trai quan trọng với cô đến mức nào dù tất cả đã không còn kịp nữa.
Đôi khi, chúng ta khiến người thân bên cạnh mình phải hứng chịu những tổn thương sâu sắc nhất mà không hiểu được rằng cha mẹ chính là phòng tuyến cuối cùng của con trẻ.
Ngoài kia, cũng đã từng có những người trẻ đứng trên bờ vực của sự bế tắc, muốn giải thoát bằng cách tự chấm dứt tất cả.
Nhưng rồi họ lùi bước, vì nhớ đến gia đình vẫn còn đang chờ đợi ở phía cuối đường hầm và tương lai vẫn còn rộng mở ở phía trước.
Vì thế nên, thay lời cậu trai 17 tuổi ấy gửi đến bậc sinh thành, xin hãy bao dung hơn cho những trái tim non dại, và: "Nếu có kiếp sau, mẹ ơi đừng mắng con nữa!".