Indonesia đã chuẩn bị tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn mang tên “Puncak Angkasa Yudha 2016” tại quần đảo Natuna trên biển Đông. Cuộc tập trận bao gồm ba binh chủng bắt đầu từ ngày 6-10 và kéo dài hai tuần.
Báo Tempo (Indonesia) đưa tin hôm 4-10, tướng tư lệnh quân đội Gatot Nurmantyo khẳng định cuộc tập trận nhằm mục đích duy trì an ninh và ổn định khu vực.
Ông tuyên bố: “Trong bối cảnh của biển Đông, quân đội Indonesia không mời thêm nước nào tham gia tập trận”.
Ông cho biết quân đội Indonesia đã có kế hoạch tổ chức tập trận chung với nhiều nước và cuộc tập trận sẽ không diễn ra trên biển Đông.
Ông tiết lộ cuộc tập trận chung sẽ được tổ chức vào năm tới với ba binh chủng hải quân, lục quân và không quân.
Ông nói cuộc tập trận chung với Mỹ và Ấn Độ vẫn được tổ chức thường kỳ hai năm một lần.
Ngày 5-10, nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày thành lập quân đội Indonesia, tướng Gatot Nurmantyo tuyên bố quân đội sẽ ưu tiên phát triển hệ thống phòng thủ tại năm đảo ngoại vi gồm Natuna, Yamdena, Selaru, Morotai và Biak.
Hệ thống phòng thủ phát triển trên các đảo gồm xây dựng lại các cơ sở hạ tầng chủ yếu và hiện đại hóa mạng lưới vũ khí bố phòng.
Các loại vũ khí được sử dụng để bảo vệ đảo gồm tàu chiến và pháo. Tuy nhiên, phải đến năm 2017 vũ khí mới được triển khai.
Trong năm đảo, Natuna là nơi xung yếu nhất vì tàu cá Trung Quốc thường xâm nhập để đánh bắt trái phép.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Anh thông báo Anh cùng với New Zealand, Úc, Malaysia và Singapore (bốn thuộc địa cũ của Anh) đã tham gia cuộc tập trận chung ở biển Đông từ ngày 4 đến 21-10.
Cuộc tập trận chung mang tên “Bersama Lima 2016” do Singapore tổ chức, bao gồm hải, lục, không quân. Mục đích tập trận nhằm ủng hộ an ninh khu vực và đáp ứng tình trạng thảm họa.
Năm nước nêu trên là các nước thành viên của “Thỏa thuận Phòng thủ năm quốc gia” (FPPA). Thỏa thuận gồm năm nước được ký kết năm 1971.
Theo thỏa thuận, năm nước sẽ tham vấn và có biện pháp nếu Malaysia hay Singapore bị đe dọa tấn công.
Báo chí đưa tin cuộc tập trận chung của năm nước nhằm biểu dương sức mạnh và phát tín hiệu đến Trung Quốc rằng Trung Quốc cần từ bỏ yêu sách chủ quyền phi lý trên biển Đông.
Báo International Business Times của Mỹ ghi nhận căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đã gây ra nhiều lo ngại sẽ xảy ra xung đột trên biển Đông.
Trung Quốc điều động ngày càng nhiều tàu hải cảnh trang bị vũ khí hạng nặng đến tuần tra ở biển Đông.
Hồi tháng 7, Tòa Trọng tài đã công bố phán quyết kết luận Trung Quốc không thể có yêu sách chủ quyền ở biển Đông nhưng Trung Quốc khăng khăng không công nhận phán quyết.
Mới đây, tổ chức tư vấn Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Mỹ đã công bố báo cáo với kết luận: “Nguy cơ xung đột trên biển Đông là rất quan trọng”.
Năm nước thành viên “Thỏa thuận Phòng thủ năm quốc gia” tập trận vào lúc quân đội Mỹ và Philippines cũng đang tập trận trên biển Đông. Cuộc tập trận kéo dài từ ngày 4 đến 12-10 trên các đảo Luzon và Palawan của Philippines.