Năm 2023: Mỗi lao động Việt Nam tạo ra 200 triệu đồng; có giai đoạn năng suất tăng nhanh hơn Singapore, Malaysia

Dy Khoa |

Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD.

Theo báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê, GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%).

Về sử dụng GDP năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,52% so với năm 2022, đóng góp 41,04% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 4,09%, đóng góp 26,64%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,33%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 32,32%.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022).

Năng suất lao động theo giá hiện hành đã tăng từ mức 70 triệu đồng/lao động của năm 2011 lên mức 150,1 triệu đồng/lao động vào năm 2020. Năng suất lao động năm 2020 gấp 2,1 lần năm 2011, trong giai đoạn 2011-2020 trung bình mỗi năm năng suất lao động của Việt Nam tăng khoảng 8,9 triệu đồng/lao động.

Theo số liệu Niên giám thống kê quốc gia 2022 của Tổng cục Thống kê, năm 2021 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, năng suất lao động của Việt Nam tăng đột biến từ 150,1 triệu đồng/lao động của năm 2020 lên mức 172,8 triệu đồng/lao động, cao hơn 22,7 triệu đồng/lao động so với năm 2020; đến năm 2022 năng suất lao động đạt 188 triệu đồng/lao động, tăng 15,2 triệu đồng/lao động so với năm 2021.

Tốc độ tăng năng suất lao động trong giai đoạn vừa qua của kinh tế Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể.

Bình quân giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động theo giá hiện hành đạt 5,29%; trong đó bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng 4,53%; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%, vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW, khóa XII là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 cao hơn 5,5%.

Năm 2021, tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,6% so với năm 2020 (nếu tính cả lao động làm các công việc tự sản tự tiêu thì chỉ tăng 2,9%) do kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 làm cho tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ đạt 2,56% trong khi lao động dần quay trở lại làm việc sau giãn cách xã hội.

Năng suất lao động Việt Nam 2011-2022 tăng nhanh hơn nhiều nước ASEAN 

Tính theo sức mua tương đương (PPP 2017), năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2022 tăng bình quân 5,3%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Malaysia (1,4%/năm); Thái Lan (1,9%/năm); Singapore (2,2%/năm); Indonesia (2,8%/năm); Philippines (3%/năm).

Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước trong khu vực ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Nếu năm 2011 năng suất lao động của Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia lần lượt gấp năng suất lao động của Việt Nam 12,4 lần; 4,3 lần; 2,1 lần và 1,7 lần thì đến năm 2022 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 8,8 lần; 2,8 lần; 1,5 lần và 1,3 lần.

Tính theo PPP 2017, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan; 79% của Indonesia và bằng 94,5% của Philippines; tương đương mức năng suất lao động của Lào (20 nghìn USD).

So với các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 21,6% của Anh; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc.

Tính theo PPP 2017, năng suất lao động mỗi giờ làm việc năm 2021 của Việt Nam chỉ đạt 10,2 USD, mức khá thấp so với một số nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể, Singapore đạt 74,2 USD; Malaysia 25,6 USD; Thái Lan 15,1 USD; Indonesia 13 USD; tương đương năng suất lao động mỗi giờ của Philippines 10,1 USD. Các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động mỗi giờ làm việc của Mỹ đạt 70,7 USD; Pháp 58,5 USD; Anh 51,4 USD; Hàn Quốc 41,5 USD; Nhật Bản 39,6 USD; Trung Quốc 13,5 USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại