Mới đây, theo báo cáo được Tổng cục Thống kê phát hành, GDP Việt Nam năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực, trong đó kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, ứng dụng mô hình công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã đem lại hiệu quả kinh tế.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%).
Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022).
Trao đổi với TTXVN, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng: "Tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 của Việt Nam duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực đạt được mục tiêu đề ra và tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới".
Theo bà Hương, một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong năm 2024 để đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra đối với thương mại quốc tế của Việt Nam, đó là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa.
Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Thống kê còn cho rằng cần "phát triển xuất khẩu bền vững đi liền với đa dạng hóa thị trường hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác; giảm rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại để hướng tới tăng trưởng xuất khẩu bền vững; đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra".
Đồng thời, "cân bằng cán cân thương mại với các đối tác như triển khai nhiều hơn các chương trình giúp doanh nghiệp của các đối tác lớn tiếp cận được với doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hơn, đặc biệt là giảm thuế cho các mặt hàng máy móc, thiết bị từ các thị trường mà Việt Nam đang có thặng dư thương mại" - bà Hương nói thêm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cũng cho rằng: Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Trong đó có kả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng. "Ở trong nước tuy thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng động lực truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng nên năm 2024 dự báo kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024, trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn", bà Hương nhận định.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 kỳ vọng từ nông-lâm-thuỷ sản
Theo nữ Tổng cục trưởng Thống kê, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024, bao gồm: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp đà tăng trưởng tích cực; hiệu quả của chiến lược phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vừa đảm bảo nguồn cung và an ninh lương thực vừa phát triển nông nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy sản bền vững tiếp tục phát huy trong năm tới. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tiếp tục ổn định, giá sản phẩm lương thực tăng sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Đầu tư công, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng. Thu hút FDI được dự báo tiếp tục là điểm sáng, Việt Nam vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của dòng vốn FDI. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, từ đó tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác, kích thích tăng trưởng.
Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa như: ngành vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch… Các ngành dịch vụ phi thị trường dự báo vẫn ổn định. Lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, ở mức hợp lý sẽ hỗ trợ tích cực cho tiêu dùng trong nước.
Sự phục hồi của ngành công nghiệp, việc làm và tiền lương sẽ giúp kích cầu tiêu dùng trong nước. Việc Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 sẽ có tác động lớn đến những người được hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước.