Xét trên mọi phương diện, năm 2021 là một năm tàn khốc - một đại dịch dai dẳng, gián đoạn kinh tế trên toàn cầu và nền địa chính trị xấu đi với căng thẳng gia tăng từ Trung Đông đến Đông Âu.
Nguy cơ hành động quân sự đang tiềm ẩn một cách đáng ngại ở nhiều khu vực và có vẻ như cán cân quyền lực quân sự đang chuyển dịch ở Đông Á.
Vậy năm 2022 có ý nghĩa gì đối với khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc?
Theo trang Asiatimes, mọi thứ có thể sẽ tương đối yên tĩnh khi năm bắt đầu diễn ra Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, vì Trung Quốc sẽ cố gắng gây tranh cãi ít nhất có thể và muốn thể hiện khả năng điều hành các sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh một cách suôn sẻ.
Trong khi đó, phản ứng với vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, Washington sẽ thực hiện "tẩy chay ngoại giao", nghĩa là không cử phái đoàn ngoại giao chính thức và Tổng thống Joe Biden cũng không tham dự Thế vận hội Bắc Kinh.
Nhưng sau tháng 2, và ngay sau khi những tấm huy chương cuối cùng được trao, mọi thứ sẽ bắt đầu "nóng" lên. Cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung được dự báo sẽ chiếm vị trí trung tâm: một cuộc chạy đua vũ trang công nghệ sẽ mang đến hậu quả đáng kể cùng với các động thái ngoại giao mới của cả Washington và Bắc Kinh.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Trung Quốc, DF-41, tầm bắn lên tới 9.300 dặm, với tới toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Ảnh: EPA
Về cạnh tranh quân sự, Trung Quốc đang tiến trên ba mặt trận then chốt.
Đầu tiên, cũng là mối quan tâm nhất đối với phía Mỹ, là việc thử nghiệm và cuối cùng là sản xuất tên lửa siêu vượt âm. Đây là những vũ khí đáng gờm kết hợp tốc độ cao của tên lửa đạn đạo truyền thống - gấp nhiều lần tốc độ âm thanh - với khả năng cơ động của tên lửa hành trình.
Mỹ hiện không có khả năng đối phó hiệu quả trong các hệ thống phòng thủ tên lửa của mình, và do đó đang nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh của riêng họ để răn đe cũng như che chắn các hệ thống phòng không tốt hơn, đặc biệt là các giải pháp vũ khí năng lượng định hướng bằng laser.
Tàu đổ bộ USS Portland trình diễn hệ thống vũ khí laser năng lượng cao nhằm vào một mục tiêu huấn luyện ở Vịnh Aden vào ngày 14/12/2021. Ảnh: AP
Thứ hai, Trung Quốc đang mở rộng mạnh mẽ kho vũ khí hạt nhân chiến lược của mình. Mặc dù hiện chỉ đứng thứ ba về số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược sau Mỹ và Nga, nhưng Bắc Kinh đang chế tạo ngày càng nhiều tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hơn và nhiều tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa đa đầu đạn trên đất liền.
Trong khi Mỹ và Nga muốn Trung Quốc duy trì kho vũ khí có quy mô tương đối khiêm tốn của mình và tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí chiến lược, thì Bắc Kinh dường như không muốn điều đó.
Nỗ lực thứ ba của Trung Quốc mà Mỹ quan tâm là việc đẩy nhanh chương trình đóng tàu chiến. Vốn đã sở hữu nhiều tàu chiến hơn Mỹ, Trung Quốc còn đang có ý định giải quyết khoảng cách về chất giữa hải quân hai nước bằng cách chế tạo các siêu tàu sân bay hạt nhân.
Họ cũng đang chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm chất lượng cao hơn có khả năng hoạt động từ boong tàu sân bay của mình.
Ngoài ra, các tàu ngầm tấn công hạt nhân của Trung Quốc, dù chưa phải là đối thủ của Mỹ, đang hoạt động êm hơn và nhiều hơn, và sẽ bổ sung một cách hiệu quả cho lực lượng tàu diesel của họ.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-17 trong cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm thành lập nước của Trung Quốc. Ảnh: EP
Khi Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu năm 2022, ông có thể muốn giới thiệu thành tích của mình trên các lĩnh vực: văn hóa, kinh tế, y tế, ngoại giao và trên hết là quân sự. Những tiến bộ này là một phần của chương trình tầm xa nhằm đưa quân đội Trung Quốc trở thành quân đội mạnh nhất thế giới vào giữa thế kỷ, nếu không muốn nói là sớm hơn.
Những nỗ lực của Trung Quốc trên cả ba tuyến trên sẽ bắt đầu khởi động vào năm 2022.
Về phía Mỹ, sẽ có những nỗ lực đáng kể trong việc phát triển các công nghệ và hệ thống quân sự mới để ngăn chặn Trung Quốc và chống lại các năng lực mới cụ thể do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thực hiện.
Đứng đầu danh sách đối với người Mỹ sẽ là dòng vũ khí siêu vượt âm chất lượng cao và các loại vũ khí siêu thanh - cả hai đều chưa tồn tại. Mỹ cũng sẽ nỗ lực tăng cường khả năng tấn công mạng vốn đáng gờm của mình, nếu được triển khai sớm trong một cuộc xung đột có thể rất hiệu quả.
Trên mặt trận vũ trụ, nơi Mỹ có lợi thế dẫn đầu so với Trung Quốc về năng lực quân sự, Washington sẽ đảm bảo quân chủng hoàn toàn mới của mình, Lực lượng Vũ trụ, có nguồn lực mạnh mẽ để duy trì vị trí dẫn đầu đó.
Về mặt ngoại giao, cả hai quốc gia sẽ tìm cách tăng cường các mối quan hệ hiện có. Đối với Trung Quốc, điều này về cơ bản đồng nghĩa là tiến gần hơn đến Nga.
Bắc Kinh cũng sẽ tìm cách xây dựng Sáng kiến Vành đai và Con đường của mình và phát triển ảnh hưởng dọc theo các tuyến đường thương mại quan trọng xuyên Ấn Độ Dương, mua các cơ sở cảng và có thể xây dựng thêm các căn cứ ở nước ngoài, chẳng hạn như căn cứ mới ở vùng Sừng châu Phi, để hỗ trợ các hoạt động hàng hải toàn cầu.
Trong khi đó, Mỹ sẽ tiếp tục xây dựng ý tưởng về QUAD (Bộ tứ kim cương), bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Người Mỹ sẽ tăng cường chú trọng vào các lực lượng căn cứ, đặc biệt là lực lượng không quân, Thủy quân lục chiến và các trung tâm hậu cần, trên khắp châu Á. Họ sẽ cố gắng khuyến khích các quốc gia khác trong khu vực tham gia với QUAD, đặc biệt là Singapore và Hàn Quốc.
Và Mỹ sẽ tận dụng các mối quan hệ bền chặt của mình ở châu Âu, đặc biệt là trong liên minh NATO, để khuyến khích các hoạt động triển khai của Anh, Pháp, Đức cũng như các đồng minh khác tới Biển Đông.
Trên cả khía cạnh công nghệ quân sự và ngoại giao, hai siêu cường sẽ cạnh tranh gay gắt. Nhà Trắng dự định đưa ra Chiến lược Trung Quốc vào đầu năm mới. Cả hai bên đều muốn tránh một cuộc chiến tranh nóng trong khi vẫn đảm bảo lợi thế. Nhưng với sự ràng buộc về cạnh tranh, khả năng xảy ra một tính toán sai lầm sẽ tăng lên, và năm 2022 thực sự có thể là một năm đầy thách thức ở Đông Á.