Năm 2019, Trung Quốc làm gì để đối phó với tác động của chiến tranh thương mại?

Xuân Chi |

Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (CEWC) khai mạc tại Trung Quốc trong tuần này được dự đoán sẽ nâng mức thâm hụt ngân sách cao hơn và hạ thấp mục tiêu tăng trưởng trong năm tới.

Năm 2019, Trung Quốc làm gì để đối phó với tác động của chiến tranh thương mại? - Ảnh 1.

Cổng vào khách sạn Jingxi được tăng cường canh gác. Ảnh: SCMP

Tháng 12 hàng năm, an ninh xung quanh khách sạn Jingxi (Tĩnh Tây) ở Bắc Kinh được thắt chặt đặc biệt, dấu hiệu cho thấy sự kiện hoạch định chính sách kinh tế quan trọng bậc nhất của Trung Quốc sắp sửa diễn ra.

Khách sạn do quân đội điều hành này nằm cách trụ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc khoảng 3km, là địa điểm tổ chức thường niên của CEWC. Tuy nhiên, khác với những lần họp trước, chương trình nghị sự năm nay được cho là sẽ chỉ xoay quanh câu hỏi làm thế nào để đối phó với những thiệt hại đang gia tăng đối với nền kinh tế trong nước do cuộc chiến thương mại với Mỹ gây ra.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho rằng không có câu trả lời dễ dàng nào cho câu hỏi trên song những ưu tiên về mặt chính sách Bắc Kinh triển khai sẽ được công chúng nước này theo dõi chặt chẽ. Người dân Trung Quốc đang ngày càng quan tâm hơn đến tác động của chiến tranh thương mại lên công ăn việc làm và tài chính của họ.

“Chính phủ nên chuẩn cho cả hai tình huống (đàm phán thương mại thành công hoặc thất bại) và đặt ra sức ép đặc biệt đối với bình ổn kinh tế nội địa”, ông Tang Jianwei – Phó Trưởng ban nghiên cứu tại Bank of Communications của Trung Quốc.

Trước thềm hội nghị, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 13/12 rằng Trung Quốc sẽ cố gắng để phát triển “một thị trường nội địa mạnh mẽ” như một biện pháp để bù đắp những bất ổn bên ngoài trong năm tới, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm của Bắc Kinh nhằm giảm thiểu tác động từ căng thẳng thương mại lên nền kinh tế trong nước.

Ông Tang nhận định, bất chấp tình trạng căng thẳng mậu dịch với Washington, hội nghị thường niên CEWC sẽ tập trung vào các chính sách để xây dựng một nền tảng kinh tế vững chắc hơn là đối phó với sự thay đổi nhanh chóng cùng những kết quả không thể lường trước trong đàm phán với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Ông Zhang Jun, nhà kinh tế cấp cao tại Trung tâm tài chính Morgan Stanley Huaxin Securities cho biết tất cả những gì Bắc Kinh có thể làm lúc này là xây dựng một hàng rào đủ mạnh để ngăn chặn chiến tranh thương mại phát triển thành một mối nguy cơ đối với toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. “Chúng ta đã chứng kiến nhiều điều không lường trước trong năm nay. Không ai có thể đảm bảo 100% về điều gì sẽ xảy ra năm tới, từ kinh tế toàn cầu đến đàm phán thương mại Trung Quốc – Mỹ”, ông nói.

“Bộ Chính trị thảo luận công tác kinh tế nhiều hơn tại các cuộc họp quý đã thu hút phần lớn sự chú ý của thị trường và chắc chắn đã hạ thấp những kỳ vọng dành cho hội nghị công tác kinh tế thường niên, ông Zhang nói.

Những chính sách kinh tế được quyết định tại CEWC – thường kéo dài hai ngày – sẽ được Hãng thông tấn nhà nước Xinhua tổng hợp thành một báo cáo. Các hướng dẫn cụ thể trên sau đó sẽ được chuyển nội bộ đến từng bộ, ngành cũng như từng chính quyền thành phố và địa phương trong vòng hai tháng tiếp theo để đảm bảo sẽ được triển khai đúng đắn.

Có một sự đồng thuận giữa các tổ chức tài chính ở Trung Quốc rằng CEWC sẽ công bố thâm hụt ngân sách của chính phủ cao hơn mục tiêu năm nay là 2,6% tổng sản phẩm quốc nội để cho phép chi tiêu tài chính nhiều hơn, đồng thời cắt giảm thuế lớn hơn khoản 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 174 tỷ USD) áp dụng trong năm nay.

Chuyên gia Zhang tại Morgan Stanley Huaxin Securities cho biết thêm sẽ có thêm ba hoặc bốn đợt giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng trung ương trong năm tới để bù đắp tác động thanh khoản của các khoản vay trung hạn song lập trường chính sách tiền tệ nói chung sẽ vẫn trung lập.

China International Capital Corp - công ty môi giới chứng khoán hàng đầu của Trung Quốc – nhận định chính phủ sẽ giảm thuế giá trị gia tăng 2% và mức đóng góp an sinh xã hội 5% năm 2019: cả hai động thái điều chỉnh trên đều hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn.

Năm 2019, Trung Quốc làm gì để đối phó với tác động của chiến tranh thương mại? - Ảnh 4.

Trung Quốc kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa kinh tế tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 18/12. Ảnh: Xinhua

Suốt tháng 11 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ hỗ trợ các công ty tư nhân – nạn nhân chính của chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung, khi Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định tầm quan trọng của họ đối với nền kinh tế cũng như hứa hẹn sẽ hỗ trợ tín dụng.

Tuần trước, việc Bộ An sinh Xã hội Trung Quốc tuyên bố sẽ từ bỏ một phần đóng góp bảo hiểm thất nghiệp của những chủ lao động cam kết không cắt giảm nhân công cho thấy nỗ lực mới nhất nhằm ổn định nền kinh tế của chính phủ đã tập trung vào thị trường việc làm.

Ông Louis Kuijs, chuyên gia kinh tế châu Á tại Oxford Economics, cho rằng Bắc Kinh đã bắt đầu thử nghiệm từ vài tháng trước về mức độ kích thích chính sách cần thiết để bù đắp được tác động tiêu cực của cuộc chiến mậu dịch.

Bắc Kinh đã thử nghiệm trong vài tháng qua, cần bao nhiêu chính sách kích thích để bù đắp tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại.

Trong một diễn biến được đánh giá nhằm xoa dịu tình trạng căng thẳng thương mại, Tạp chí Phố Uôn đưa tin tuần trước Bắc Kinh đã đồng ý hạ mức thuế nhập khẩu ô tô do Mỹ sản xuất từ 40% xuống 15% - hành động điều chỉnh đầu tiên được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 1/12 ở Argentina.

Ủy ban Xuất khẩu Đậu nành Mỹ cũng vừa thông báo chỉ trong vòng 24 giờ các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã mua 1,5 – 2 triệu tấn đậu nành của Mỹ và quá trình vận chuyển sẽ diễn ra trong quý đầu năm 2019.

Một chủ đề không thể tránh khỏi tại CEWC sẽ là câu hỏi liệu có nên hạ thấp mục tiêu tăng trưởng năm 2019 hay không, và nếu có thì bao nhiêu.

Tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại ở mức thấp trong thập kỷ là 6,5% trong quý 3 năm 2018, với các chỉ số cho những tháng đầu tiên của quý 4 cho thấy xu thế chậm lại sẽ vẫn tiếp tục. Các nhà phân tích dự đoán rằng tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong nửa đầu năm tới khi toàn bộ tác động của thuế quan Mỹ tác động toàn diện.

Một số nhà quan sát với lập trường bi quan đã dự báo tăng trưởng của Trung Quốc ở dưới 6% trong nửa đầu năm 2019 nếu tác động xấu từ cuộc chiến mậu dịch gia tăng cũng như các biện pháp kích thích do chính phủ thực hiện không thể vực dậy nền kinh tế.

Mặc dù Trung Quốc được cho là có nhiều công cụ chính sách và tài chính đầy đủ nhưng ông Kuijs cảnh báo rằng việc cắt giảm thuế để kích thích đầu tư không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả. “Bạn có thể giảm thuế cho các doanh nghiệp song họ sẽ không đầu tư nhiều hơn vì tâm lý lo ngại. Họ có thể chỉ cất (số tiền được giảm thuế) vào tài khoản ngân hàng”.

Tại CEWC 2017, Chính phủ Trung Quốc đã chú trọng cải cách cấu trúc chính sách hạ thuế để kích thích sản xuất và đầu tư, đồng thời tập trung vào ba nhiệm vụ chính của năm 2018: giảm nguy cơ đối với hệ thống tài chính, kiểm soát ô nhiễm và giảm bớt đói nghèo. Hai nhiệm vụ đầu tiên đã bị gác lại, phần lớn do cuộc chiến thương mại leo thang.

Độc giả đọc bài viết gốc tại đây

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại