Hành động "lạ"
Động thái này được đưa ra trong thời điểm Bắc Kinh đang muốn siết chặt việc rò rỉ thông tin kinh tế trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ. Yêu cầu của Tổng cục thống kê quốc gia có nghĩa là tỉnh này sẽ không công bố chỉ số PMI của cả tháng 10 và 11.
Trong giới phân tích và những người thuộc ngành công nghiệp đang dấy lên quan ngại về ý nghĩa của yêu cầu này trong việc công bố ảnh hưởng thật sự từ cuộc xung đột thương mại với việc kinh doanh địa phương.
Chính quyền tỉnh Quảng Đông chỉ ngừng công bố số liệu mà không đưa ra tuyên bố. Trên trang thông tin của Sở thông tin công nghệ Quảng Đông, một bản tuyên bố vắn tắt được phát hành ngày 10/12 ở dưới cùng của website, cho biết, văn bản từ Tổng cục thống kê quốc gia hồi cuối tháng 10 gửi đến cơ quan này thông báo, tất cả các số liệu PMI tổng hợp đều được thực hiện bởi Tổng cục thống kê quốc gia. Theo chỉ đạo này, cơ quan này quyết định ngừng thu thập và công bố chỉ số PMI của tỉnh từ 1/11 trở đi.
Chỉ số PMI của tỉnh Quảng Đông bắt đầu được công bố hàng tháng từ tháng 11/2011. Khi chính quyền tỉnh Quảng Đông quyết định đưa ra chỉ số PMI của riêng mình vào năm đó, tỉnh này cho rằng, Quảng Đông - một trung tâm sản xuất toàn cầu - cần PMI riêng để giúp thông báo cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế, doanh nghiệp và nhà phân tích có thể dự đoán chính xác hiệu quả kinh tế của tỉnh và cả nước.
Tại Mỹ, Chicago từng là "trái tim" sản xuất và PMI của Chicago thường được coi là một trong những chỉ số kinh tế quan trọng nhất của Mỹ, chính quyền tỉnh Quảng Đông viết trong thông báo. PMI của Quảng Đông được tính toán dựa trên khảo sát 1.000 doanh nghiệp chủ chốt trong tỉnh.
Ý định thực sự?
Ông Peng Peng, Phó chủ tịch của Viện nghiên cứu phi chính phủ ở Quảng Đông cho rằng, việc không công bố chỉ số PMI của tỉnh sẽ là một thiệt thòi đối với cộng đồng doanh nghiệp địa phương.
"Chỉ số PMI hàng tháng của Quảng Đông là chỉ dấu chính quan trọng cho thấy tình hình kinh tế thực sự của Trung Quốc", ông Peng nói.
Chủ sở hữu của một doanh nghiệp xuất khẩu tại Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, cho biết ông lo ngại về động thái của chính quyền trung ương vì nó cho thấy nền kinh tế có thể còn tồi tệ hơn ông nghĩ.
Dữ liệu PMI kịp thời và minh bạch không chỉ quan trọng đối với các công ty Quảng Đông mà còn đối với tất cả các doanh nghiệp trên toàn quốc, vì Quảng Đông là động cơ kinh tế chính của Trung Quốc, chủ doanh nghiệp giấu tên này cho biết.
"Tôi thật sự lo lắng về động thái này. Tôi nghĩ tình hình ở lĩnh vực sản xuất có thể thực sự tồi tệ vào năm tới và đây là lý do vì sao tỉnh Quảng Đông không đưa ra chỉ số PMI hàng tháng", ông nói.
Chỉ số PMI hồi tháng 9 của Quảng Đông tăng từ 49,3 lên 50,2. Chỉ số này lớn hơn 50 có nghĩa là lĩnh vực sản xuất đang được mở rộng.
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng cục thống kê quốc gia thắt chặt kiểm soát đối với các số liệu. Năm 2015, Tổng cục thống kê đã yêu cầu một đơn vị tư nhân chuyên thống kê PMI ngừng phát hành các số liệu sơ bộ một tuần trước khi công bố chính thức.
Cũng từ tháng 10/2017, Tổng cục thống kê sẽ tổng hợp số liệu GDP của các tỉnh trực tiếp từ năm 2019 trở đi. Thông báo của NBS tại thời điểm đó chỉ đề cập đến dữ liệu GDP và không đề cập đến các chỉ số khác như PMI.