Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã thay đổi thái độ của Mỹ
Thái độ không hài lòng với chính sách hiếu chiến của Bắc Kinh đã tăng lên, vượt ra ngoài lĩnh vực thương mại và đầu tư, sang những lĩnh vực chiến lược và chính trị rộng lớn hơn, mặc dù có sự chia rẽ về phương pháp tiếp cận cụ thể mà chính quyền Tổng thống Trump lựa chọn dành cho Bắc Kinh.
Các nhà cựu ngoại giao và quan chức, những người đã làm việc lâu năm với Trung Quốc đang thay đổi thái độ trong bối cảnh một câu hỏi được đặt ra ngày càng thường xuyên ở Washington: liệu quan hệ với Trung Quốc đã thất bại?
Việc thay đổi này có nhiều nguyên nhân, một số dựa trên các quan ngại về an ninh, một số là do việc tiếp cận thông tin khắt khe của Trung Quốc.
Mối nghi ngại đối với Bắc Kinh này đã định hình bầu không khí của Washington tại thời điểm sống còn trong quan hệ 2 nước, khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu lệnh hòa hoãn 90 ngày để đàm phán kết thúc chiến tranh thương mại.
Nhiều nhà quan sát đã bi quan về thời hạn và kết quả của cuộc gặp, ngay cả trước khi sự việc bắt giữ Giám đốc tài chính CFO Mạnh Vãn Chu của Huawei làm tình hình thêm phức tạp.
Trung Quốc đang tự chuốc lấy điều này. Wasington không phải là người khơi mào, Robert Daly, Giám đốc Viện Kissinger nói.
Daly, một nhà ngoại giao Mỹ đã ở Bắc Kinh từ cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, hiện tại vẫn nghiên cứu quan hệ Mỹ-Trung với tư cách là một nhà bình luận và giảng viên đại học ở cả hai nước.
Ông Daly cho rằng, một loạt các quyết sách của Trung Quốc trong những năm gần đây đã thay đổi thái độ ở Washington, bao gồm hành xử ở Biển Đông, cuộc chiến ý thức hệ chống lại các giá trị phương Tây.
Trong đó, điều làm thay đổi thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc về cơ bản có lẽ là Biển Đông, ông nói. Không phải chỉ vì Bắc Kinh đã xây dựng và cải tạo trái phép các đảo, đá mà hành động của Trung Quốc khiến người Mỹ nhận ra rằng điều này đã vượt qua giới hạn.
Bắc Kinh đã bao biện cho hành động này là "bảo vệ quyền lợi hợp pháp" ở Biển Đông, bao gồm việc cải tạo trái phép các đảo và xây dựng các công trình quân sự từ năm 2013.
Năm 2016, Tòa Trọng tài quốc tế tại The Hague, Hà Lan đã xác nhận rằng tuyên bố về Đường 9 đoạn của Trung Quốc là không có cơ sở. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ phán quyết, một quan chức cấp cao còn cho rằng, phán quyết này không hơn gì "một mảnh giấy".
Sai lầm ở Đại hội Đảng 19
Thái độ tiêu cực này được tiếp tục đẩy lên với việc Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 tổ chức hồi tháng 10 năm ngoái và việc Trung Quốc sửa đổi hiến pháp cho phép giữ chức Chủ tịch nước quá 2 nhiệm kỳ.
Với một số chuyên gia về Trung Quốc người Mỹ, những người vốn giữ quan điểm trung dung, kiên nhẫn về Trung Quốc, bài phát biểu tại Đại hội Đảng Trung Quốc 19 đã khiến họ thay đổi thái độ, ông Daly nói.
Những người này bao gồm cả một số chuyên gia cao cấp của Mỹ, ông Daly nói thêm nhưng không nêu tên cụ thể.
Daly không phải là người duy nhất theo dõi chặt chẽ cuộc họp của Đảng Cộng sản năm ngoái. Ryan Hass, Giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Obama cũng cho rằng, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng "đáng giá" bằng cả danh tiếng của Trung Quốc.
"Tôi thực sự cho rằng, Bắc Kinh đã sai lầm vào năm ngoái, khi Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại Đại hội Đảng và công bố ý tưởng về Trung Quốc như là một mô hình thay thế phương Tây", ông Hass, hiện là nhà phân tích tại Viện Brookings nói.
"Điều này đã cung cấp cho những người ở Washington lý do để nghi ngờ về ý định và tham vọng của Trung Quốc", ông nói thêm.
Winston Lord, cựu Cố vấn đặc biệt của ông Henry Kissinger, người có mặt trong mọi cuộc gặp giữa các lãnh đạo Mỹ với ông Mao Trạch Đông, nhận ra trận đấu giữa Trung Quốc như một quyền lực mới nổi và Mỹ là không thể tránh khỏi. Cuộc xung đột đã leo thang căng thẳng đáng kể trong những năm vừa qua.
Xu hướng này đã gia tăng mạnh mẽ dưới thời ông Tậ p Cận Bình kể từ năm 2012. Ông Lord cho rằng, ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cố gắng đẩy Mỹ ra khỏi khu vực là không thể chấp nhận.