Tính toán sai, khoe "móng vuốt" quá sớm khiến giờ đây Trung Quốc phải chịu "đòn" từ Mỹ

Minh Khôi |

Lần đầu tiên, lãnh đạo Trung Quốc đã phải thừa nhận những khó khăn hiện tại của nền kinh tế do chiến tranh thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng.

Cú "bẻ lái" của Trung Quốc tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Thượng Hải

Một ngày trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ở Thượng Hải, trung tâm kinh tế của đất nước, tổ chức sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong năm: Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc đầu tiên.

Theo kế hoạch, hội chợ nhập khẩu được cho là cơ hội gửi thông điệp chính trị về sự nghiêm túc của Trung Quốc trong việc cắt giảm thặng dư thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Địa điểm được chọn là Thượng Hải, nơi ông Tập Cận Bình từng là Bí thư thành ủy trước khi trở thành lãnh đạo hàng đầu của đất nước.

Vì đây không chỉ là một hội chợ thương mại mà là một sự kiện ngoại giao quan trọng đối với quan hệ của Bắc Kinh với Washington, đích thân ông Tập Cận Bình chứ không phải Thủ tướng Lý Khắc Cường - người phụ trách các vấn đề kinh tế - đã chủ trì sự kiện này.

Tính toán sai, khoe móng vuốt quá sớm khiến giờ đây Trung Quốc phải chịu đòn từ Mỹ - Ảnh 1.

Ông Tập Cận Bình phát biểu tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Thượng Hải. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Trong bài phát biểu của mình, mặc dù không đề cập trực tiếp đến Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ hay Washington nhưng thông điệp của ông Tập Cận Bình vẫn được truyền tải một cách kín đáo.

"Các nước cần cải thiện môi trường kinh doanh của họ bằng cách giải quyết các vấn đề của họ. Họ không nên đổ lỗi cho người khác để che giấu các vấn đề của họ", ông Tập Cận Bình nói.

Trong bài phát biểu tại Thượng Hải, ông Tập Cận Bình cũng thừa nhận những khó khăn kinh tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt.

"Tình hình kinh tế trong và ngoài nước đã tạo ra một số thách thức lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc, như sự bất ổn trong một số lĩnh vực, doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn và rủi ro ngày càng tăng trong một số lĩnh vực nhất định".

Một sự thừa nhận thẳng thắn về những khó khăn mà Trung Quốc phải đối mặt tại một sự kiện quốc tế lớn là rất hiếm ở Trung Quốc, đồng thời cũng phản ánh những khó khăn hiện tại của ông Tập.

Những thông tin về cuộc chiến thương mại đã được kiểm soát cẩn thận ở Trung Quốc, với mục đích duy trì ổn định xã hội.

Đường phố ở Thượng Hải vẫn tràn ngập ánh sáng lấp lánh và nhộn nhịp vào ban đêm. Nhà hàng đông đúc thực khách như bình thường. Nhiều người bình thường vẫn không cảm thấy tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Nhưng tác động gần đây đã quá nghiêm trọng đến nỗi Bắc Kinh không thể "phớt lờ" được nữa.

Tính toán sai, khoe móng vuốt quá sớm khiến giờ đây Trung Quốc phải chịu đòn từ Mỹ - Ảnh 3.

Nền kinh tế Trung Quốc đang bị "mây đen" bao phủ. Ảnh: Nikkei.

Ông Tập Cận Bình cũng thay đổi quan điểm của mình về các công ty tư nhân. Vào ngày 1/11, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tham dự một cuộc thảo luận với các doanh nghiệp tư nhân và khẳng định, trong khi khu vực công vẫn giữ một "vị thế thống trị" trong nền kinh tế, ông cũng sẽ chú trọng đến khu vực tư nhân.

Đây là sự thay đổi khá lớn với nhà lãnh đạo Trung Quốc, người luôn ủng hộ các công ty nhà nước. Nhưng với những đám "mây đen" đang bao phủ nền kinh tế, ông Tập Cận Bình cần phải xoa dịu các doanh nghiệp trực tiếp với tư cách lãnh đạo quốc gia.

Bản chất của hội chợ triển lãm nhập khẩu, ban đầu có nghĩa là tăng cường quan hệ với Mỹ, nhưng đã ngay lập tức thay đổi sau khi chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục củng cố quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc, mà bước ngoặt là bài phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence hôm 4/10.

Nước cờ sai lầm

Nguyên nhân làm tăng "cơn thịnh nộ" của Tổng thống Trump, tờ báo Nhật Nikkei lý giải, đỉnh điểm là tuyên bố của ông Tập tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10/2017 rằng đất nước "về cơ bản sẽ hiện đại hóa vào năm 2035".

Điều này có nghĩa là, Trung Quốc sẽ bắt kịp với Mỹ, ít nhất là về mặt kinh tế, trong vòng 17 năm nữa.

Chính Tổng thống Mỹ đã thừa nhận điều này. Tổng thống Mỹ nói với các phóng viên rằng ông nghĩ chính sách công nghiệp "Made in China 2025" của Bắc Kinh là một sự "xúc phạm".

"Made in China '25 có nghĩa là vào năm 2025, họ sẽ tiếp quản kinh tế thế giới. Điều này sẽ không xảy ra", ông Trump nói. 

Bốn thập niên trước, ông Đặng Tiểu Bình đã khởi xướng chính sách kinh tế "cải cách và mở cửa". Về mặt đối ngoại, ông Đặng ủng hộ chính sách "ẩn mình chờ thời", có nghĩa là giữ một cái đầu lạnh, che giấu móng vuốt và không bao giờ cố gắng dẫn đầu trong một thời gian.

Nhưng kể từ khi nhậm chức vào năm 2012, ông Tập Cận Bình nghiêng về chính sách "quyền lực nước lớn", đặt Trung Quốc là một cường quốc tương đương với Mỹ.

Nhưng ông Tập Cận Bình đã tính sai. Ông đã đánh giá thấp ông Trump, một Tổng thống doanh nhân của Mỹ.

Mỹ muốn giữ nguyên vị trí số 1 thế giới. Về vấn đề này, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều có chung quan điểm. Việc công khai ý định vượt qua Mỹ đã làm Washington "nóng mặt". Và Trung Quốc hiện đang trả giá đắt vì vội vàng giương ra "móng vuốt" của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại