Đài Sky News cho biết quân đội Myanmar đã triển khai xe tăng tại các thành phố lớn, đồng thời huy động binh sĩ tới các nhà máy điện ở bang Kachin, miền Bắc nước này. Đụng độ giữa quân đội và người biểu tình nổ ra sau khi có thông tin nhà chức trách định "cắt điện" ở các nhà máy vừa nêu.
Lực lượng an ninh được nhìn thấy nổ súng để giải tán đám đông bên ngoài một nhà máy ở thủ phủ Myitkyina của bang Kachin, theo video phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook. Không rõ quân đội sử dụng đạn cao su hay bắn đạn thật.
Nhiều thiết bị quân sự cũng xuất hiện tại một số điểm nóng biểu tình ở thủ đô thương mại Yangon, Myitkyina và Sittwe. Đây là đợt triển khai xe bọc thép quy mô lớn đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính ở Myanmar hôm 1-2.
Quân đội Myanmar đã triển khai xe tăng tại các thành phố lớn. Ảnh: Sky News, The Guardian
Báo Guardian dẫn nguồn tin cho hay Đại sứ quán Mỹ tại Myanmar kêu gọi công dân của họ "trú ẩn tại chỗ". Cơ quan này trước đó cảnh báo về khả năng mất mạng internet từ 1-9 giờ sáng 15-2.
Khoảng 1 giờ 30 phút sáng, đơn vị giám sát mạng internet Netblocks báo cáo kết nối internet tại Myanmar bị giảm 14% so với mức thông thường. Ngoài ra, không thể liên lạc được bằng email hoặc ứng dụng nhắn tin.
Tuyên bố chung của các đại sứ nước ngoài tại Myanmar, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh, Canada... kêu gọi lực lượng an ninh kiềm chế bạo lực đối với người biểu tình và dân thường đang phản đối cuộc đảo chính:
"Chúng tôi lên án việc quân đội làm gián đoạn liên lạc cũng như hạn chế các quyền cơ bản của người dân Myanmar cùng các biện pháp bảo vệ pháp lý cơ bản. Chúng tôi ủng hộ người dân Myanmar trong hành trình vì dân chủ, tự do, hòa bình và thịnh vượng. Thế giới đang dõi theo".
Nhiều sinh viên ngành kỹ thuật tuần hành qua trung tâm TP Yangon. Ảnh: Sky News
Biểu tình ở TP Yangon cuối tuần trước. Ảnh: Sky News
Hôm 14-2, nhiều sinh viên ngành kỹ thuật tuần hành qua trung tâm TP Yangon. Họ mặc đồ trắng và mang theo biểu ngữ yêu cầu thả nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi.
Bà Suu Kyi bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính và bị buộc tội nhập khẩu máy bộ đàm trái phép. Lệnh bắt giữ bà Suu Kyi dự kiến hết hạn vào 15-2 khi tòa án đưa trường hợp của bà ra xét xử.
Cuối tuần trước, chính quyền quân sự Myanmar thông qua luật yêu cầu mọi người thông báo những người khách đến nhà của họ và ở qua đêm.
Luật cũng cho phép lực lượng an ninh bắt giữ các nghi phạm và khám xét tài sản riêng mà không cần sự chấp thuận của tòa án.
8 ngày diễn ra biểu tình ước tính đã thu hút hàng trăm ngàn người xuống đường bất chấp lời đe dọa sẽ bị phạt tù 6 tháng vì vi phạm lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên.
Theo đài Sky News, giống như một số cuộc biểu tình lớn khác trên khắp Myanmar, nhà cầm quyền quân sự của nước này phải đối mặt với làn sóng đình công của công chức.
Truyền thông địa phương đưa tin tàu hỏa ở nhiều nơi đã ngừng hoạt động sau khi nhân viên từ chối đi làm, trong khi quân đội triển khai binh sĩ tới các nhà máy điện. Chính quyền ra lệnh cho công chức trở lại làm việc nếu không sẽ hành động.