Tuyên bố trên được chuyên gia Franklin Chuck Spinney đưa ra khi trả lời câu hỏi của hãng thông tấn Sputnik.
Dù ông Spinney không bình luận lý do vì sao Việt Nam không cần thiết sở hữu F-35 nhưng nguyên nhân của nhận định này không khó để nhận ra đó là chi phí quá cao cho việc mua và vận hành F-35.
Theo giá năm 2011, đơn giá một chiếc tiêm kích F-35A khoảng 122 triệu USD, F-35C là 139,5 triệu USD trong khi phiên bản đắt nhất là F-35B lên tới 150 triệu USD.
Đó là đơn giá của máy bay "trần", còn nếu trang bị vũ khí đi kèm một chiếc F-35A phải có giá tới 183,5 triệu USD.
Ngoài ra, chi phí vận hành của F-35 lên đến 67.549 USD/giờ bay (cao hơn cả F-22). Mức chi phí này gần như vượt quá khả năng của không chỉ Việt Nam mà còn khiến Singapore, khi được gợi ý về việc mua F-35 cũng rất dè dặt.
Tiêm kích F-35B
Tuy nhiên, giá thành lại không đi đôi với chất lượng của F-35. Theo kỹ sư Pierre Sprey (người thiết kế F-16 và A-10), máy bay tàng hình F-35 có thể dễ dàng bị phát hiện bởi radar của Anh từ những năm 1940.
Trong khi những nhà phát triển F-35 ca ngợi công nghệ tàng hình dành cho dòng chiến đấu cơ này là đỉnh cao thì ông Sprey đã tìm ra "lỗ hổng lớn" và khẳng định thậm chí F-35 có thể bị đánh bại chỉ với công nghệ từ Thế chiến II.
Theo kỹ sư Pierre Sprey: "Công nghệ tàng hình từng được quảng cáo quá trớn khi lần đầu tiên nó được phát triển theo một chương trình tiêu tốn nhiều triệu USD vào đầu những năm 1980. Họ đặt ra ý tưởng, nếu anh không có khả năng tàng hình, anh sẽ lỗi thời".
"Tàng hình có mục đích làm chệch hướng radar. Nhưng trong khi kỹ thuật này có thể chống là radar phát tần số cao, nó không thể chống lại thiết bị phát tần số thấp”, ông phân tích thêm. Kỹ sư cho rằng thậm chí radar của Quân đội Anh từng sử dụng vào năm 1940 có thể phát hiện ra F-35.
"Đó là kỹ nghệ chính trị, nó rất tốn kèm, không an toàn và có thể để lại hậu quả nghiêm trọng mà chưa ai có thể nhổ tận gốc", vị kỹ sư này chua chát thốt lên.
"Vậy thì, câu hỏi đặt ra, F-35 nên bị xóa bỏ? Tất nhiên, nó nên bị xóa bỏ từ ngày hôm qua rồi", ông Sprey cho biết. Trả lời câu hỏi có cần xóa bỏ ngay hôm nay không? Pierre Sprey cho rằng “Không. Phải cho đến khi nó trở thành sự thất bại ê chề trước mắt công chúng vì tai nạn và bị đánh bại trong chiến đấu".
Ngoài sự yếu kém về tàng hình, F-35 cũng bị cho rằng có thể gặp nạn bất cứ lúc nào do lỗi phần mềm điều khiển. Và theo Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO), không có gì đảm bảo rằng phần mềm này sẽ hoàn thành trước năm 2019, thời điểm mà dự án F-35 bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.