Gói viện trợ quân sự lớn chưa từng có này không chỉ thể hiện cam kết lớn nhất của Mỹ đối với một trong những đồng minh thân cận nhất tại Trung Đông, mà còn mang cả những mục tiêu chính trị trong nước của cả hai quốc gia.
Lễ ký thỏa thuận dự kiến diễn ra ngày 14/9 tại Washington, dưới sự chứng kiến của quyền Giám đốc Hội đồng an ninh quốc gia Israel Jacob Nagel và cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice.
Thỏa thuận kéo dài trong 10 năm, cho phép Israel mỗi năm được hưởng khoản hỗ trợ quân sự trị giá 3,8 tỷ USD từ Mỹ, cao hơn mức 3,1 tỷ USD/năm trong thỏa thuận hiện tại giữa hai nước nhưng thấp hơn so với mức 4,5 tỷ USD/năm mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra trước đó.
Thỏa thuận này cũng lần đầu tiên cung cấp khoản tài chính dành cho việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel.
Thỏa thuận đạt được sau gần 10 tháng đàm phán với nhiều bất đồng nổi lên giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Netanyahu về thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như tiến trình hòa bình Trung Đông. Mỹ từng cảnh báo Israel rằng, chính sách của Thủ tướng Netanyahu cùng với tình hình bạo lực Palestine đang đe dọa triển vọng cho thỏa thuận hòa bình.
Nhà Trắng mới đây cũng sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ nhất phản đối việc Israel mở rộng khu định cư. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau tuyên bố:
“Khu định cư đó là vấn đề qui chế cuối cùng cần được giải quyết trong các cuộc đàm phán giữa các bên.
Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế có sự đồng thuận mạnh mẽ rằng, các hoạt động định cư đang diễn ra là vật cản đối với hòa bình. Chúng tôi kêu gọi Israel và Palestin thể hiện các hành động và chính sách đối với cam kết nhất quán của mình là giải pháp hai nhà nước”.
Không thể phủ nhận một thực tế rằng Israel vẫn là một đồng minh số 1 của Mỹ trong khu vực và Israel cũng là một khách hàng lớn đối với xuất khẩu vũ khí của Mỹ.
Theo ông David Makovsky, Giám đốc Dự án tiến trình hòa bình Trung Đông của Viện nghiên cứu chính sách Cận Đông của Mỹ, Thỏa thuận này là một thông điệp quan trọng của Mỹ tới khu vực rằng, bất chấp sự khác biệt quan điểm giữa Mỹ và Israel về Iran hay Palestine, điều quan trọng là Mỹ vẫn cam kết với an ninh dài hạn của Israel.
Bên cạnh việc khẳng định mối quan hệ hợp tác đồng minh, việc Israel và Mỹ tiến tới thỏa thuận vào thời điểm hiện nay cũng đều nằm trong “ tính toán” để mang lại lợi ích quốc gia.
Trước đó, Israel luôn chần chừ không ký thỏa thuận quân sự mới này cho tới khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ, với hy vọng đảm bảo những điều khoản tốt hơn.
Mặc dù để đạt được thỏa thuận này, phía Israel cũng phải có những nhượng bộ, như sẽ không yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp khoản hỗ trợ thêm có giá trị lớn hơn so với mức đã cam kết hàng năm.
Đồng thời phía Israel cũng chấm dứt điều khoản đặc biệt cho phép nước này sử dụng một phần tiền viện trợ của Mỹ để mua các thiết bị từ các nhà thầu quân sự của Israel trong vòng 6 năm kể từ khi thỏa thuận viện trợ có hiệu lực.
Theo giới quan sát, thỏa thuận này cho phép ông Netanyahu vẫn đảm bảo nhận được sự hỗ trợ quân sự khi Mỹ có Tổng thống mới. Với một kế hoạch hỗ trợ quân sự sớm cũng giúp Israel giải quyết các bất ổn đang xảy ra trong khu vực, theo đó có thể bảo vệ tốt hơn công dân và biên giới của mình.
Còn đối với nước Mỹ, Tổng thống Obama gần đây liên tục hối thúc Chính phủ của Thủ tướng Netanyahua nhanh chóng chấp thuận gói viện trợ quân sự, cho rằng việc chờ Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ không hứa hẹn một thỏa thuận tốt hơn do các vấn đề về ngân sách mà Washington đang giải quyết sẽ dẫn tới cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Điều đó cho thấy Tổng thống Obama cũng muốn có một thỏa thuận với Israel trước khi nhiệm kì kết thúc, coi đây là một phần quan trọng trong di sản của mình trước khi rời nhiệm sở./.