Mỹ vẫn "loay hoay như gà mắc tóc" để tìm cách phá đòn hiểm S-400 của Nga

Kiệt Linh |

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong cuộc điện đàm ngày hôm qua (29/4) đã thảo luận về đề nghị của Ankara trong việc thành lập một nhóm làm việc chung để giải quyết những vấn đề gây chia rẽ giữa hai nước trong hợp đồng tên lửa S-400, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

"Tổng thống của chúng tôi đã đưa ra lời đề nghị thiết lập một nhóm làm việc chung liên quan đến việc chúng tôi mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Liên bang Nga”, tuyên bố từ Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.

Hai nước Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tranh cãi, đối đầu với nhau suốt nhiều tháng qua vì việc Ankara ký hợp đồng mua các tên lửa phòng không S-400 từ Mowcow. Mỹ và phương Tây phản đối kịch liệt hợp đồng nói trên với lý do hệ thống S-400 không tương thích với mạng lưới phòng thủ của NATO và có thể gây ảnh hưởng xấu đến các chiến đấu cơ F-35.

Theo lời Ankara, một nhóm làm việc chung có thể sẽ đánh giá được ảnh hưởng gây ra từ tên lửa S-400 đối với các chiến đấu cơ F-35. Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra lời đề nghị lập nhóm làm việc chung từ rất lâu. Tuy nhiên, cho đến hồi cuối tuần vừa rồi, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ vẫn chưa nghe được bất kỳ câu trả lời hay phản ứng nào từ phía Mỹ đối với lời đề nghị của họ.

Nhà Trắng hôm qua xác nhận, Tổng thống Trump và người đồng cấp Erdogan đã thảo luận về hợp đồng S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi được hỏi ông Trump có nói với người đồng cấp Erdogan về mối quan ngại của Mỹ đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống S-400 hay không, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ rất rõ và kiên quyết đối với đại diện của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ về việc chúng tôi quan ngại sâu sắc trước hợp đồng mua S-400."

Ankara hồi năm ngoái đã ký hợp đồng mua các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga sau tiến trình đàm phán kéo dài. Lô tên lửa S-400 đầu tiên dự kiến sẽ được Nga bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7 tới.

Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua các tên lửa S-400 của Nga đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các đồng minh NATO. Mỹ thậm chí còn cảnh báo sẽ không cho Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào chương trình F-35. Giới nghị sĩ Mỹ liên tục nói đến những nguy cơ gây ra từ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 đối với Mỹ và NATO.

Bất chấp áp lực của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, họ có thể tự do lựa chọn các đối tác trong giao dịch vũ khí mà không muốn và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự can thiệp nào từ Washington hay bất kỳ ai khác.

“Chúng tôi không cần sự cho phép của bất kỳ ai” để mua các hệ thống S-400, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hồi tháng 9 năm ngoái từng phát biểu cứng rắn như vậy.

Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây bất ngờ thông qua việc bán các tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ với giá trị hợp đồng lên tới 3,5 tỉ USD. Trong một thời gian dài, Mỹ không chấp nhận bán tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ dù Ankara liên tục bày tỏ mong muốn có được thứ vũ khí thiện chiến này. Washington đưa ra rất nhiều lý do để từ chối bán Patriot cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc Mỹ bất ngờ thông qua thỏa thuận bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng là một sự thay đổi hoàn toàn trong lập trường của nước này và giới phân tích tin rằng đằng sau sự thay đổi đó có liên quan đến việc Ankara mua các hệ thống S-400 của Nga.

Có thể hiểu rằng, Mỹ muốn bán các tên lửa Patriot cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ như một nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn tình thế với mục đích cao nhất là để thuyết phục Ankara hủy bỏ hợp đồng S-400 với Nga. Tuy nhiên, đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ muốn thêm chứ không muốn bớt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại