Tàu khu trục HMCS Fredericton của Canada (trái), tàu khu trục HMS Kent của Anh (phải) và một tàu ngầm Đức trong cuộc tập trận Dynamic Mongoose của NATO vào tháng 7/2020. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh
Khi được hỏi về kiểu chiến dịch đem tới cơ hội tốt nhất để hợp tác với các lực lượng hải quân khác, Đô đốc Michael Gilday, người đứng đầu các chiến dịch hải quân của Mỹ nhận định trong hội nghị trực tuyến West 2021 rằng, nhiều lực lượng trong số này muốn tập trung hơn vào các cuộc tập trận chống tàu ngầm.
"Ít nhất 1 tuần/lần, tôi trao đổi với một đồng minh hoặc một đối tác chủ chốt của Mỹ. Một điều rất thú vị mà tôi nhận thấy là các cuộc trao đổi này không chỉ nói về các nhiệm vụ cần thực hiện mà còn nói về cuộc chiến chống tàu ngầm nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Nga và Trung Quốc", ông Gilday cho hay.
Việc tập trung vào cuộc chiến chống tàu ngầm của Hải quân Mỹ đã suy giảm sau Chiến tranh Lạnh nhưng hoạt động này đã nhận được sự chú ý trong những năm gần đây bởi Nga và Trung Quốc ngày càng có nhiều hạm đội tàu ngầm lớn hơn và có nhiều năng lực hơn.
Nga hiện có khoảng 60 tàu ngầm, trong đó bao gồm cả các tàu ngầm tên lửa đạn đạo và tấn công mới. Ông Gilday và các nhà lãnh đạo Hải quân khác đã cảnh báo về những tàu ngầm này, một vài trong số đó được trang bị tên lửa hành trình tấn công từ mặt đất và thường dành nhiều thời gian ở gần các bờ biển của Mỹ.
Những bình luận của Đô đốc Gilday được đưa ra chỉ vài ngày sau khi hải quân NATO bắt đầu cuộc tập trận chống tàu ngầm thường niên Dynamic Mongoose được tổ chức ở Iceland, Anh và Na Uy, những vùng biển mà tàu ngầm Nga cần đi qua để tới được Đại Tây Dương.
“ Chiến tranh chống tàu ngầm ngày càng thách thức xuất phát từ bản chất của nó và cần nhiều hoạt động huấn luyện cũng như hợp tác giữa các lực lượng trên biển và trên không", Chuẩn đô đốc Rune Andersen, người đứng đầu Hải quân Na Uy nhận định.
Chiến tranh chống tàu ngầm cũng ngày càng tập trung vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương khi số lượng tàu ngầm của Trung Quốc ngày càng tăng lên.
Trung Quốc có khoảng 60 tàu ngầm hoạt động năm 2020, trong đó có 50 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel.
Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu ngầm theo quy ước của Trung Quốc vẫn chưa bằng các tàu ngầm của Mỹ nhưng chúng có một số đặc điểm khiến các chỉ huy Mỹ lo ngại.
Quy mô các hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc khó có thể theo dõi trong trận chiến và Trung Quốc "vẫn duy trì từ 65 - 70 tàu ngầm trong những năm 2020", báo cáo của Lầu Năm Góc cho hay.
Những hình ảnh vệ tinh công bố cuối năm ngoái cho thấy sự mở rộng tại một xưởng đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc.
Dù vậy Bryan Clark, một chuyên gia về chiến tranh Hải quân tại Viện Hudson và là một cựu quan chức hải quân nhận định, khả năng tiến hành chiến tranh chống tàu ngầm của Trung Quốc vẫn xếp sau Mỹ và Nhật Bản.
Các đồng minh của Mỹ trong khu vực đang thúc đẩy khả năng chiến tranh chống tàu ngầm. Nhiều nước đang sắm thêm các tàu ngầm mới.
Trong khi đó, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và New Zealand đầu tư vào các máy bay tuần thám săn ngầm P-8. Canada, Australia, Nhật Bản, Singapore và Ấn Độ cũng tham gia các hoạt động chiến tranh chống tàu ngầm với Hải quân Mỹ năm nay.
"Khả năng phát hiện, xác định và theo dõi các liên lạc dưới mặt nước giúp chúng tôi có lợi thế trong việc tìm ra các tàu ngầm của kẻ thù đang ở đâu", Ryan Markham, kỹ sư cấp cao của tàu khu trục USS Howard nhận định.